Lục đục, phát sốt vì thiếu ôsin sau Tết

Kinh tếThứ Năm, 10/02/2011 07:23:00 +07:00

(VTC News) - Hàng trăm cuộc điện thoại gọi điện tới các trung tâm môi giới tìm người giúp việc đầu xuân, hàng nghìn các ông bố, bà mẹ than trời vì ôsin bỏ việc.

(VTC News) - Sau Tết, tại các trung tâm môi giới người giúp việc (ôsin) ở Hà Nội, TP. HCM những ngày này có hàng trăm cuộc điện thoại gọi điện tới đặt dịch vụ tìm người. Dù đã dự đoán được nhu cầu sẽ tăng đột biến nhưng cung vẫn không đủ cầu do ôsin chưa muốn đi làm mà gia chủ thì không thể nghỉ việc ở nhà trông con.

Dường như trở thành một thông lệ, cứ ra Tết, trên các diễn đàn online lại nhao nhao những lời quảng cáo tha thiết tìm người giúp việc. Những câu nói than thở, những lời nhờ vả các cộng đồng mạng khẩn thiết như: “Tôi cần lắm rồi”, “làm ơn giúp tôi với”… dường như không còn quá xa lạ với các cư dân mạng. Trên trang lamchame.com có riêng một topic để các mẹ, các bố trao đổi tìm ôsin sau Tết.

“Khát” ôsin

“Mấy ngày nay, tôi ù tai vì điện thoại. Số lượng khách gọi điện hỏi trực tiếp lẫn trên diễn đàn tăng 50%, có ngày đông, quá 10 gia đình liên tục bấm máy hỏi dồn, tôi bực mình quá tắt luôn cả điện thoại, mệt không buồn nghe. Đặc biệt là ngày mùng 6 Tết, nhiều công nhân viên chức khai xuân, có tới hàng trăm cuộc điện thoại hỏi thăm, mong muốn nhờ hỗ trợ” - Chị Nguyễn Hiền, một người môi giới rao vặt cung cấp người giúp việc qua mạng chia sẻ. Theo thông tin từ chị Hiền, mặc dù, nhu cầu tìm người tăng lên đột biến sau Tết nhưng giá dịch vụ lại không tăng, “quan trọng là về số lượng" – chị nói.
 
Tuy nhiên, với mức giá lương trung bình từ 1.800.000 - 2.200.000 đồng (tùy vào tính chất người giúp việc đã có kinh nghiệm hay chưa) và lệ phí: 500.000 đồng (có cam kết rõ ràng) nếu đem so sánh với cùng thời điểm này năm ngoái thì giá cả đã tăng khoảng 1 triệu đồng. Mặc dù tiền công cao như vậy, nhưng tại các trung tâm hiện xảy ra tình trạng “cháy” người giúp việc, còn nếu gia chủ thuê được ôsin thì chưa chắc đã tìm được một người giúp việc vừa ý.

Chị Hiền nhận định: Sau Tết âm lịch, vì một số do yếu tố khách quan, nhiều người giúp việc cũ về quê ăn Tết ê hề với bánh trưng xanh, thịt mỡ dưa hành đã không quay lại theo đúng lịch hẹn hoặc không ít người ôsin ra làm được vài hôm thấy nhớ nhà hoặc đã lên kế hoạch sẵn, lại lấy lý do cá nhân để xin về... 


Ra Tết, ôsin mặc sức "làm kiêu, hét giá". 

Theo đánh giá của ông Thạch Anh - Giám đốc  Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Thiên Gia (Từ Liêm, HN) – nơi chuyên cung cấp người giúp việc: “Nhu cầu tìm ôsin sau Tết năm nay cao hơn hẳn mọi năm, đặc biệt ngay từ ngày mùng 2 Tết đã có người gọi điện tới công ty chúc Tết và nhờ tìm người luôn.
 
Chỉ tính riêng ngày "mở hàng” đầu năm tức mùng 6 Tết, thống kê sơ bộ đã có 125 cuộc điện thoại gọi tới yêu cầu đặt dịch vụ. Nhiều trường hợp, khách hàng sau khi bị từ chối vì không còn người giúp việc đáp ứng theo nhu cầu vẫn cố nài nỉ và sẵn sàng trả giá cao bằng bất cứ giá nào. Tuy vậy, cho đến thời điểm hiện tại, công ty Thiên Gia chỉ có thể cung cấp dịch vụ cho những người đã đăng kí trước Tết, còn với các đối tượng  khách hàng mới thì sau  tháng 2/2011, công ty mới tiếp tục nhận.

Mặc dù công ty có nhiều chính sách ràng buộc như giữ một tháng lương nhưng tại Thiên Gia, số lượng người giúp việc ra Tết lên đúng hẹn theo hợp đồng chỉ chiếm khoảng 70%. “Theo tôi nghĩ: Quan trọng nhất vẫn là do tâm lý của người lao động. Những người làm nghề ôsin vẫn chưa coi đây là nghề chính của họ, vì vậy, chưa có trách nhiệm với nghề của mình” – ông Thạch Anh nói. Ông làm một phép so sánh: Nếu như các cơ quan nhà nước hoặc nhân viên của các doanh nghiệp tư nhân, họ có thể sẵn sàng đi làm dù mùng 1 hay 30 Tết nếu công việc yêu cầu nhưng những người ôsin thì làm việc theo kiểu tự phát, thời vụ “thích thì làm, không thích thì bỏ”.

“Có lẽ là phải thay đổi quan điểm của họ, nhiều cô làm việc rất tốt, lương tháng cũng ổn định và thu nhập cao, được nhà chủ tin tưởng và yêu mến nhưng vì lý do nào đó vẫn sẵn sàng "khăn gói ra đi”, ngoài Rằm hoặc tháng 2 mới lên. Không ít trường hợp, ôsin sau Tết lên trễ hẹn, trái với hợp đồng, nhiều gia đình không chấp nhận được, chúng tôi lại phải lao đao đi tìm nhân viên khác để sắp xếp thế chân”.

Không chỉ ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM có nhu cầu cần người giúp việc lớn mà các tỉnh lẻ như Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc,... nhu cầu cũng tăng mạnh khiến cho tình trạng đã khan hiếm người giúp việc sau Tết lại càng khan hiếm hơn.

Anh Tô Hữu Hoàng, Giám đốc một công ty chuyên cung cấp dịch  vụ ôsin tại Quảng Ninh cho biết: Cả năm có 2 “vụ mùa” khát ôsin đó là: Đầu năm và giữa hè. Nhiều gia đình sau khi cho ôsin về Tết rồi mới ngã ngửa ra vì mất người, ngoài lý do vì ôsin ở lại quê không lên thì còn một lý do khác ảnh hưởng đó là việc đội quân ở bến xe “bắt’ hết người sang bên kia biên giới dẫn tới tình trạng thiếu ôsin hàng loạt.

Cũng theo anh Hoàng thì mặc dù, tính tới thời điểm hiện tại, nhu cầu cần thuê người giúp việc tăng gấp 4 – 5 lần so với ngày bình thường nhưng vẫn chưa phải là cao điểm.

“Nhiều gia đình chưa quá sốt ruột, hiện tại các ông bố, bà mẹ cũng lo nhưng chưa thực sự lo lắm vì một số ôsin khất lần qua Rằm mới lên”,  nhưng với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, anh Hoàng “tiên đoán”: “Chỉ sau ngày 15/1 (ÂL ) mọi thứ sẽ nhốn nháo hết cả lên khi ôsin hẹn mà không đến”.

Ôsin... làm giá

Cả năm làm việc quần quật vất vả, vừa mới thở phào vì có mấy ngày Tết để nghỉ ngơi nhưng chưa hết Tết, anh Vũ Văn Huy (Quang Trung, Hà Đông, HN) đã chạy đôn chạy đáo đến toát mồ hôi hột để tìm người thay thế.
 
“Vợ mình mới sinh em bé, mới được 6 tháng tuổi, trước Tết, ôsin xin về sớm vì lý do bố mất, bảo ra Tết sẽ lên sớm vào ngày mùng 2 nhưng đến giờ (ngày mùng 7 Tết – pv) vẫn chưa thấy tăm hơi đâu, gọi điện về thì họ nói thông cảm vì bận việc gia đình. Giờ tìm người khó quá, tôi đã rao giá lương khởi điểm 2,5 triệu đồng/tháng, nếu đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của gia đình thì tôi sẵn sàng sẽ trả thêm nhưng vẫn chưa được tìm được người nào gật đầu đồng ý” – anh Huy than thở.

“Ôsin” hiện nay khá sành sỏi trong việc “làm giá” với gia chủ. Họ đưa ra hàng chục lý do để nghỉ việc sau Tết như: Công việc nhàm chán, chủ nhà khó tính, tìm được công việc tốt hơn, nhớ gia đình... Thậm chí, nhiều “ôsin” còn mặc cả với gia chủ nếu lên đúng ngày thì sẽ được thưởng thêm gì, hay đòi hỏi gia chủ nhiều quyền lợi cao hơn.

Bố mẹ phải thay nhau nghỉ làm để tranh thủ ở nhà chăm con những ngày vắng ôsin sau Tết.


Chị Nguyễn Thúy Hoa, nhân viên của Công ty chuyên cung cấp dịch vụ ôsin Minh Khanh (số 9, ngõ 840 Bạch Đằng, Hai Bà Trưng, HN) cho biết: Đội ngũ ôsin của công ty đều được ra hạn ngày 7/1 (ÂL) sẽ phải lên nhưng hầu hết sau Tết, số lượng người giúp việc này đều nấn ná ở nhà thêm và dự kiến mùng 10 Tết mới bắt đầu bắt tay vào việc. "Chỉ trừ một số ôsin nhà trong nội thành Hà Nội chịu “xuống nước” đi làm ngay còn ai nấy đều “làm cao” hét giá trên trời' - chị Hoa lắc đầu nói.

Rút kinh nghiệm từ nhiều năm, chị Thu Hà (Ba Đình, Hà Nội) đã giữ lại hai tháng lương cuối năm của người giúp việc và hứa nếu lên đúng hẹn là ngày mùng 6 tết sẽ được thưởng thêm 1 tháng lương nữa. Đồng thời, để “hâm nóng" tình cảm đôi bên, trước Tết, chị Hà sắm sửa quà các hậu hĩnh cho ôsin đem về biếu tặng gia đình. Nhưng đến nay đã gần mùng 10 mà “ôsin” vẫn không có động tĩnh hồi âm gì về việc “bao giờ sẽ lên”. “Thật uổng công tôi loay hoay mấy ngày để tìm quà tặng cho gia đình họ với hi vọng đây sẽ là “chiêu độc”  giữ chân người. Ai ngờ…” – chị Hà tiếc rẻ.

Thiếu người giúp việc, mọi thứ trong gia đình chị trở nên điên đảo. Đã mấy ngày nay, chị Hà và cô em gái thường xuyên la cà lên mạng, hoặc gọi điện hỏi thăm những người quen ở quê lo lắng tìm người giúp việc. Không chỉ rao tin, tìm trên các diễn đàn, rao vặt, các câu lạc bộ,… thậm chí đã trực tiếp đến các trung tâm môi giới, các cơ sở giới thiệu việc làm… nhưng đều không tìm được người ưng ý.

“Yêu cầu của tôi bình thường khá gắt gao đề cao sự chăm chỉ, nhanh nhẹn, sạch sẽ, thật thà, ngoài ra, người giúp việc phải lành tính, không được cáu gắt với trẻ con. Tuy nhiên, vì cần gấp nên những ngày này, tôi chỉ cần đơn giản một người có kinh nghiệm, biết cách chăm sóc trẻ con nhưng cũng thật khó” – Chị Hà thở dài nói.

Tính mãi không được, cuối cùng, mùng 6 đến, chồng đi làm, chị Hà phải ở nhà trông con. Còn hôm nay, thay phiên, chị đi làm, anh xin nghỉ ở cơ quan, dẫn con đi chơi. "Nhưng biện pháp tình thế này có lẽ cũng chỉ diễn ra được trong vòng 1 - 2 ngày chứ 10 ngày thì..." - vừa vò đầu bứt tai, chồng chị Hà bỏ lửng câu chuyện.

“Tranh thủ ít thời gian ngắn ngủi nghỉ trưa, tôi đảo về nhà, vừa bước vào cửa thấy nhà cửa ngập ngụa, hai bố con đánh vật cho nhau ăn mà thấy nản quá. Không biết chúng tôi còn phải chịu cảnh này đến bao giờ? Không biết khi nào mới tìm được người giúp việc để hai vợ chồng còn yên tâm đi làm”, chị Hà cũng không khỏi lo lắng.

Phương Hạ


Bình luận
vtcnews.vn