Doanh nhân, chuyên gia phong thủy "bấm ngày" mở hàng

Kinh tếThứ Tư, 09/02/2011 02:00:00 +07:00

(VTC News) - Theo chuyên gia phong thủy: Năm nay, ngày mùng 9 (ÂL) là ngày đẹp nhất để mở hàng đầu năm nhưng một số DN đã chọn "ngày lành" mùng 2 Tết khai xuân.

(VTC News) - Theo chuyên gia phong thủy thì năm nay, ngày mùng 9 (ÂL) là ngày đẹp nhất để mở hàng đầu năm nhưng một số đơn vị doanh nghiệp đã chọn "ngày lành" để mở hàng từ mùng 2 Tết.

Chọn giờ “hoàng đạo” để mở cửa, chọn đúng ngày để “xông đất”, tìm đúng người có vía tốt để mua hàng,…, đó là việc mà các chủ doanh nghiệp thường làm để... đón lộc đầu năm.

Theo Tiến sĩ phong thủy Lê Xuân Phương (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Doanh nhân và Doanh nghiệp Đông Nam Á – Searav): Những người chọn ngày để mở hàng là những người quan tâm tới sao xấu, sao tốt. Thông thường người ta hay chọn người hợp tuổi để “xông đất” nhưng qua quá trình nghiên cứu lâu năm, TS.Phương cho rằng: Điều cần nhất là có vía âm, vía dương tức là có cả nam và nữ tới “mở hàng” đầu năm.
 
“Nếu chỉ có nam thì dù lẻ hay chẵn, cả năm sẽ thất bại. Do đó, nếu mở hàng, các chủ doanh nghiệp nên lưu ý tìm 1 nam, 2 nữ hoặc 2 gái, 3 trai. Ngoài ra, để mọi thứ trở nên hoàn hảo, cửa hàng cũng nên chọn giờ cho đúng để không phạm vào sao xấu”, TS. Phương nói.

Tâm linh để chọn thời cơ tốt để “phất cờ”

TS.Phương cho biết: Năm nay, cơ quan ông tới mùng 9 mới “khai xuân” bởi đây là ngày đẹp nhất, nhưng vì ngày này quá xa Tết nên một số doanh nghiệp khác sẽ không đợi được, “nếu mở hàng vào mùng 4 hoặc mùng 6 (ÂL) thì buổi chiều là tốt hơn” – TS.Phương nhận định.

Trên thực tế, ngay từ sáng mùng 1 hoặc mùng 4 Tết, nhiều người đã tranh thủ mở hàng để lấy may. Theo lịch vạn niên, hai ngày này tuy không "đại cát” song vẫn được coi là ngày đẹp so với những thời điểm khác trong tuần. Tuy nhiên, nhiều cửa hàng, nhiều chủ doanh nghiệp chỉ mở cửa cho “lấy lệ” còn chính thức kinh doanh, buôn bán là vào ngày hôm qua (mùng 6 Tết). Đây cũng là thời điểm các cơ quan, công sở làm việc trở lại, mọi nhu cầu đông đúc, tấp nập, việc mở hàng được thuận lợi hơn.


Nhiều siêu thị bắt đầu "khai xuân" vào ngày mùng 6 Tết.

Vốn là người rất tâm linh, sau khi nhờ “thầy” xem tuổi, xem ngày, anh Hoàng Mai Chung, Giám đốc công ty TNHH Điện thoại Vân Chung (157 Đặng Tiến Đông, Đống Đa, Hà Nội) đã chọn ngày mùng 6 – ngày đẹp để mở hàng.

Anh Chung cho biết: “Tôi tuổi Thìn, sinh năm 1976, năm nay là năm Tân Mão, người hợp với tuổi của tôi phải là người sinh năm 1974. Tôi đã phải chọn người, chọn tuổi, chọn vía, xem người đó có cái tâm trong sáng không và cuối cùng quyết định cho người nhân viên mới của công ty sinh năm 1974 đi “xông đất”. Đúng 8h sáng ngày mùng 6, Công ty điện thoại Vân Chung chính thức bắt đầu “khai xuân”, sau đó, anh em nhân viên quây quần uống rượu mừng đầu năm và tổ chức bữa cơm thân mật như một gia đình để tạo không khí ấm cúng.

Trong tâm niệm của anh Chung thì ngày đầu tiên mở hàng trong năm mới có ý nghĩa rất quan trọng và mỗi doanh nghiệp thường có một “thầy” riêng xem xét. “Tôi không phải là người mê tín dị đoan, cũng không phải đồng bóng. Tuy nhiên, tôi thấy rằng: Tâm linh chi phối rất nhiều tới thế giới mà mình đang sống, qua một năm trải nghiệm, tôi thấy điều đó rất chính xác. Vì thực tế, xét cho cùng, tâm linh cũng là cội nguồn, tức là hướng về cái thiện, giống như việc mỗi gia đình phải cúng bái tổ tiên thì các doanh nghiệp phải siêng đi lễ chùa và làm công đức, hướng tới cái đạo thì mới mong phát triển được. Những ai làm lớn mà không duy tâm thì mọi việc khó mà xuôi”.

Chính vì suy nghĩ đó mà năm nào, anh Chung cũng cho nhân viên của mình đi lễ chùa cúng bái bao gồm các đền đô, Chùa Hương, Phủ Giầy, chợ Viềng, gò Đống Đa... – nơi thờ các vị vua, những người có công với đất nước như là một cách trở về với tổ tiên, cảm tạ trời đất.

Song song với việc duy tâm để tìm ra “vận mệnh”, thời cơ “phất cờ”, giám đốc Hoàng Mai Chung cũng là người rất duy vật. “Duy tâm là lấy sự hỗ trợ từ tâm, bên cạnh đó vẫn phải duy vật, phải chú trọng về chất lượng hàng hóa và dịch vụ. Năm ngoái, công ty đã phát triển gấp đôi, năm nay là năm “bản lề” vận mệnh của tôi, công ty dứt khoát phải được thăng tiến gấp 10 lần. Khi tình hình kinh tế thế giới bắt đầu ổn định hơn, nền kinh tế Việt Nam cũng vào đà vững chắc thì thành công mới, cơ hội mới đang mở ra. Doanh nghiệp có phát triển hay không còn phụ thuộc vào “vận mệnh” của doanh nghiệp ấy” – anh Chung tin tưởng.

“Kinh doanh thành hay bại do cái tâm của mình phục vụ”

Mặc dù không tâm linh đến mức xem ngày, xem giờ, xem tuổi như anh Chung nhưng một số đơn vị khác cũng chọn ngày mùng 6 để mở hàng đầu năm. Có thể thấy, cùng với lịch làm việc của cán bộ công nhân viên chức, sáng hôm qua (ngày mùng 6 Tết), hàng loạt quán xá, nhà hàng, cửa hiệu thời trang cho tới các siêu thị điện máy lớn nhỏ trong nội thành Hà Nội đều đồng loạt mở cửa trở lại, sẵn sàng phục vụ khách tới mua sắm.

Ông Đoàn Chiến Thắng, Trưởng phòng Tiếp thị của Công ty  CP Nhất Nam, đơn vị chủ quản hệ thống siêu thị Fivimart cho biết: Hàng năm, “đến hẹn lại lên”, không kiêng kị hay chọn ngày, cứ mùng 6 Tết là hệ thống siêu thị Fivimart bắt đầu mở cửa.

Chị Hồng Loan, chủ cửa hàng hoa tươi – điện hoa – điện quà toàn quốc trên đường Phạm Ngọc Thạch (HN) cũng chọn ngày mùng 6 để mở hàng nhưng lý do đơn giản mà chị đưa ra không phải là do tâm linh mà chủ yếu vì… các cơ quan đã bắt đầu đi làm nhiều. “Tôi làm việc theo doanh nghiệp nhà nước, năm nào cũng chọn ngày mùng 6 để mở hàng, chứ cũng không mê tín ngày đẹp – ngày xấu. Mặc dù vậy, như các cụ ngày xưa vẫn nói: “Có thiêng có lành”, ngày mùnng 1 và mùng 4 Tết, tôi vẫn qua cửa hàng để thắp hương” – chị Loan nói.

Đối với một số chủ doanh nghiệp khác thì quan niệm mở hàng đầu năm lại “nhẹ tựa lông hồng”, họ mở hàng theo kiểu “thích ngày nào thì đi làm ngày ấy”, không phụ thuộc vào bất cứ điều gì. Ông chủ của tiệm làm tóc Khuê stylist (Mai Hắc Đế, HN) chọn ngày mùng 6 để bắt tay vào làm vì “đây là ngày chẵn, vả lại ra Tết cũng lâu rồi. Nếu mở cửa ngày mùng 4 thì mọi người vẫn còn hơi hướng chơi Tết. Có năm, tôi mở hàng ngày mùng 9 Tết, nhưng năm nay, không bận rộn việc gì nên tôi mở cửa đón khách sớm hơn”.

Ông chủ của tiệm làm tóc Khuê stylist (Mai Hắc Đế, HN) chọn ngày mở cửa đơn giản chỉ vì: "Thích ngày nào thì làm ngày ấy".

Nghĩ rằng: Một năm đã làm việc vất vả nên chị Tuyết Thanh (Giám đốc chuỗi nhà hàng Tuyết Thanh) tự thưởng cho mình trọn vẹn 10 ngày nghỉ Tết. Nhà hàng này bắt đầu nghỉ Tết từ ngày 28/12 (ÂL) và dự định mùng 8/1 (ÂL) tới mới bắt đầu hoạt động trở lại. “Thông thường mọi năm, cứ ngày cán bộ nhà nước đi làm thì mình khai xuân nhưng năm nay do nhân viên phần lớn ở xa nên chị muốn kéo dài thêm ngày nghỉ một chút” – Chị Thanh lý giải.

Chị Tuyết Thanh quan niệm: “Dù làm gì, tất cả đều xuất phát từ tâm, quan trọng là hành động của mình thôi. Nếu người kinh doanh định hướng đúng thì công việc làm ăn sẽ thuận lợi, thuận buồm xuôi gió. Bởi lẽ, mình là người bán hàng, nếu cứ xem ngày lành tháng tốt mở hàng nhưng làm ăn lại không có chất lượng thì cũng sẽ chẳng có ai nhớ tới mình”.

Là một công ty thương mại với chủ trương “khách hàng cần là chúng tôi bán”, ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Công ty CP TM Bia Hà Nội (Habeco) cho biết: Công ty đã bán hàng xuyên Tết. Với nhu cầu thèm một cốc bia tươi sau những ngày ê hề rượu Tây và bia chai, khối lượng bia hơi bán ra vào ngày mùng 6 tăng lên đột biến. “Ngày này lượng giao dịch rất đông bởi nhiều cửa hàng phần lớn đều đã bắt đầu mở hàng. Đến thời điểm buổi trưa ngày mùng 6, số bia hơi bán ra đã lên tới 100 lít trong khi tổng số lượng ngày bình thường rơi vào khoảng 150 lít” – ông Hùng vui vẻ nói.
 
Cũng đồng tình với quan điểm của ông Hùng, bà Nguyễn Thị Hồng Hương - Giám đốc Công ty TNHH MTV Thời trang Việt Nam (Vinatex Mart) cũng cho biết: Vinatex chọn ngày khai trương theo yêu cầu của người tiêu dùng (NTD). Những năm trước, 50% chuỗi siêu thị này khai trương vào mùng 2 Tết còn lại khai trương mùng 4 Tết nhưng năm nay, toàn bộ hệ thống khai trương ngày mùng 2. “Tôi căn cứ vào yêu cầu phục vụ của người dân để “căn” ngày mở cửa. Chọn ngày nào, khách hàng cảm thấy ok nhất thì ngày đó mình phát lộc”.

“Nhận thấy giá cả thị trường sau Tết năm nay dễ biến động khó lường nên chúng tôi quyết định khai trương tất cả hệ thống vào ngày mùng 2 với chính sách bình ổn giá, góp phần hạn chế nỗi lo của NTD khi giá cả leo thang chóng mặt. Hơn nữa, tôi chọn ngày mùng 2 vì ngày đó, nhiều nơi còn đang đóng cửa ăn Tết, khi khách tới Vinatex sẽ rất vui vì trước đó, không ít người cứ nghĩ rằng: Siêu thị giờ này vẫn còn đang đóng cửa” – Bà Hương chia sẻ.

Trong tâm niệm của bà, doanh nghiệp thành hay bại do cái tâm của mình phục vụ. “Mình mở ra dịch vụ nên ngoài yếu tố kinh doanh còn có cái tâm khiến nhiều người vui lòng, đáp ứng được yêu cầu mua sắm của hầu hết NTD, tôi coi đó là cái may, cái lộc của doanh nghiệp”.

 Khóc cười chuyện mở hàng đầu năm

Có một vài người không coi chuyện mở hàng đầu năm là quan trọng, với họ đầu năm là dịp để kiếm chác, hưởng lợi bởi nhu cầu vui chơi du xuân của nhiều người tại nhiều địa điểm trong “tháng ăn chơi”.


Tại khu vực chùa chiền, nhiều bãi gửi xe nâng mức giá lên 15.000 – 20.000/xe máy, trông xe xuyên Tết và với họ thì những ngày đầu năm là những ngày vét tiền của thiên hạ, trong khi nhiều cơ quan công vụ lại chưa mặn mà với việc kiểm tra những hành vi như vậy.

“Mở hàng gì? Ngày nào tao chẳng chật chỗ trông xe từ sáng tới tối”, một người đàn ông có giọng nói rất to đáp lời của phóng viên, miệng vừa quang quác chỉ chỏ người xếp xe cho khách trong khoảng không gian tầm 100m2 gần khu vực Phủ Tây Hồ.

 Những vị khách đầu tiên xông đất và mở hàng cho du lịch VN năm Tân Mão

Rất nhiều người kinh doanh lớn có một “thầy” chuyên xem ngày cho mình, cứ giáp Tết là anh Trần Văn Khởi (Hai Bà Trưng – Hà Nội) lại khăn gói tay quà, tay lễ vào tận Thanh Hóa đến nhà thầy để xem ngày mở hàng cho anh.


Thầy cho cửa hàng kinh doanh hàng tiêu dùng của anh Khởi ngày mùng 2 mở hàng, tốt nhất là khách đầu tiên là nam trên 18 tuổi… nghe lời thầy, để chắc ăn, ngay ngày mùng 2 mở hàng anh Khởi phải “phím” trước người quen, nhờ anh này mua hàng của nhà mình và vui vẻ mừng tuổi lại rất hậu.

Ngày mở hàng và giờ mở cửa tương đương nhau, Ngọc Lâm (Đống Đa) làm cho một công ty tư nhân chuyên về xuất nhập khẩu do người Ấn Độ làm chủ, mọi việc liên quan đến tâm linh văn hóa Việt, ông chủ đều nghe theo lời kế toán trưởng của công ty. Theo quy định của công ty này, đúng mùng 6 là bắt đầu làm việc… nhưng tới 3 giờ chiều công ty mới mở cửa bởi kế toán trưởng đi coi ngày, 3h được coi là phù hợp. Vì không biết “giờ hoàng đạo”, nên Lâm hẹn khách hàng quan trọng của mình 9h sáng ngày mùng 6 và đúng hẹn khách và Lâm cùng tới công ty để giao dịch nhưng công ty đóng cửa: “khách bực mình, chủ cũng phát cáu, nhưng không ai nói cho mình biết là hôm nay công ty phải mở cửa vào buổi chiều”, Lâm than vãn.

Đầu năm, chuyện mở hàng là quan trọng nhưng cũng không nên xem trọng quá vì điều này ảnh hưởng đến tâm lý buôn bán cả năm. “gặp xuôi chèo, mát mái thì không sao, cứ ngày nào bán hàng không tốt là người ta lại đổ tội cho việc mở hàng đầu năm bị ám quẻ, như thế không nên… mình thì cứ được ngày, giờ là tốt, được khách hàng là tốt, chứ còn nam hay nữ không quan trọng, lệch một chút cũng chẳng sao, tinh thần được cái là thoải mái”,  Vũ Trọng Dương, một doanh nhân trẻ thế hệ 8x chia sẻ.


Bài, ảnh:
Tiểu Phương, Cao Cường

Bình luận
vtcnews.vn