Năm 2011, kinh tế VN có khả năng tăng trưởng 7-7,5%

Kinh tếThứ Năm, 30/12/2010 10:00:00 +07:00

Xác định việc ổn định kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ trong tâm trong năm tới nhưng Chính phủ vẫn đánh giá, kinh tế VN có khả năng đạt mức tăng trưởng từ 7-7,5%.

Xác định việc ổn định kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ trong tâm trong năm tới nhưng Chính phủ vẫn đánh giá, kinh tế Việt Nam có khả năng đạt được mức tăng trưởng từ 7-7,5%.

Tại phiên họp thường kỳ cuối cùng trong năm, diễn ra trong ngày 29/12, Chính phủ đã dành phần lớn thời gian đánh giá toàn diện tình hình kinh tế - xã hội năm 2010, kiểm điểm công tác chỉ đạo - điều hành, đồng thời xác định nhiệm vụ cho năm mới - 2011. Chủ trì phiên họp là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Theo dự báo của Chính phủ, bước sang năm mới, kinh tế thế giới sẽ tiếp tục phục hồi nhờ sự cải thiện tại khu vực đầu tư, việc làm và sức mua dân cư. Tuy vậy, nhiều bất ổn vẫn tiềm ẩn trong nội tại các nền kinh tế với những mâu thuẫn ngày càng phức tạp.

Thường trực Chính phủ trong phiê họp ngày 29/12. 

Với tình hình đó, kinh tế xã hội Việt Nam sẽ vừa có những thuận lợi, thách thức đan xen. Xuất nhập khẩu thuận lợi trong bối cảnh thương mại toàn cầu phục hồi, tương tự là dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ có nhiều triển vọng tích cực. Trong khi đó, tình trạng biến đổi khí hậu làm nguồn cung lương thực, thực phẩm thêm khan hiếm và sự giảm giá của đồng USD sẽ là những yếu tố có thể gây sức ép tăng giá hàng hóa, gây trở ngại cho việc kiềm chế lạm phát.

Tuy nhiên, cơ hội tăng trưởng cao hơn cho Việt Nam trong năm 2011 được Chính phủ đánh giá là có triển vọng, ở mức 7-7,5%. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, đây sẽ là bước chạy đà quan trọng để thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển giai đoạn 5 năm cũng như chiến lược phát triển 10 năm tới.

Các thành viên Chính phủ thống nhất đề xuất nhiều giải pháp tập trung, chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm để triển khai tốt các cơ hội và điều kiện thuận lợi, đồng thời hạn chế tối đa các tác động bất lợi đến nền kinh tế bằng việc tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Là năm đầu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 và Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 10 năm 2011-2020, Thủ tướng quán triệt tinh thần chỉ đạo sát sao, thực hiện quyết liệt và đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.

Cụ thể, với yêu cầu giảm dần đầu tư từ ngân sách Nhà nước, các nguồn vốn từ ngân sách, các bộ, ngành, địa phương cần rà soát, khuyến khích đầu tư, sản xuất từ nguồn vốn xã hội, chú ý các vấn đề phúc lợi xã hội, rà soát để đưa ra danh mục, giải pháp cụ thể để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, ngành quan tâm hơn công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, nhất là 3 lĩnh vực quản lý còn yếu là đất đai, khoáng sản, đầu tư xây dựng; và tăng cường hợp tác, phối hợp trong xây dựng chính sách, điều hành các vấn đề kinh tế quan trọng.

Đánh giá về năm 2010, Chính phủ khẳng định những thành tựu nổi bật trong lĩnh vực trong xây dựng thể chế, pháp luật, trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Đặc biệt, công tác cải cách hành chính và đối ngoại đã đưa vị thế của Việt Nam lên một tầm cao mới trên trường quốc tế.

Bên cạnh đó, các thành viên Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá những yếu tố không thuận lợi, những khó khăn, thách thức và cả những tồn tại, bất cập cần khắc phục trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội.

Thiên tai, lũ lụt ở các tỉnh miền Trung đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Giá cả hàng hóa trên thị trường thế giới tăng mạnh, tạo áp lực lên giá cả hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm trong nước, nhất là dịp Tết nguyên đán, gây khó khăn cho việc kiềm chế lạm phát, làm cho chỉ số giá cả 2010 tăng khá cao.

Lãi suất cho vay của các ngân hàng còn ở mức khá cao ảnh hưởng đến việc huy động nguồn vốn vay của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Những vấn đề này cần sớm được khắc phục trong năm 2011.


Theo chinhphu.vn

Bình luận
vtcnews.vn