Khan hiếm xăng dầu, DN "găm" hàng chờ giá cao?

Kinh tếThứ Bảy, 25/12/2010 04:00:00 +07:00

Việc các cửa hàng treo biển “hết xăng” có thể được nhìn nhận dưới 2 góc độ: Hoặc là họ cố tình “găm hàng” chờ giá cao, hoặc là họ hết hàng thật.

Theo ông Vương Thái Dũng - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam, việc các cửa hàng treo biển “hết xăng” hay “nghỉ bán hàng” có thể được nhìn nhận dưới 2 góc độ: Hoặc là họ cố tình “găm hàng” chờ giá cao, hoặc là họ hết hàng thật.

Trong khi một số đại lý xăng dầu tại Hà Nội và TP.HCM “từ chối” cung cấp xăng dầu cho khách hàng với lý do không được cấp hàng, nhập hàng khó khăn, hết hàng… thì đại diện các đầu mối cung cấp lại khẳng định vẫn cung cấp đầy đủ nguồn hàng cho các doanh nghiệp cũng như đại lý trong nước.

Theo khảo sát của phóng viên, tại một số khu vực nội thành Hà Nội, nhiều cửa hàng xăng dầu đã ngừng bán đến vài ngày.

Nhiều đại lý xăng treo biển "Hết hàng" 

Từ 5h sáng ngày 23/12/2010, một cây xăng của trên đường Yên Phụ đã “hô” mất điện khiến nhiều người dân vào mua xăng khóc dở - mếu dở. “Trên cả đoạn đường dài kiếm đâu ra trạm xăng khác, xăng đã hết kiệt chắc không thể kịp tới trạm tiếp theo” - một khách hàng mua xăng than thở.

Cách đó không xa, những người bán xăng lẻ tranh thủ cơ hội bán hàng và “hét” giá 20.000 đồng/lít, mà chưa chắc 1 lít đó đã được đong cho đủ. Vì không còn lựa chọn khác, nên nhiều khách hàng đành… tặc lưỡi mua xăng với giá cắt cổ.

Cũng trong ngày 23/12, tại trạm xăng trên đường Trần Hưng Đạo, khi thấy nhiều khách hàng nhăn nhó vì hết xăng, một chủ quán nước tốt bụng đã tận tình hướng dẫn “Các anh, chị cứ đi thẳng hơn 100m sẽ có một cây xăng khác, cây xăng này mất điện đã không bán mấy ngày hôm nay rồi”. Mặc dù hai trạm xăng khá gần nhau nhưng khu vực nào cũng có lợi thế riêng và không hiểu lý do gì khiến trạm xăng này “mất điện” lâu đến vậy.
 
Người dân phải mua xăng của những "nhà đầu tư" vỉa hè với giá cắt cổ 

Theo một chủ cửa hàng xăng, hiện mức bán nhiên liệu của họ đang cao hơn 20 – 30% so với những tháng trước đây. Chính vì vậy, họ sẽ gặp khó khăn trong việc cung ứng xăng dầu cho khách hàng.

Việc các cửa hàng kinh doanh xăng dầu “bất ngờ” ngưng bán hàng không chỉ làm ảnh hưởng đến người dân, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp vận tải. Hiện, các doanh nghiệp này không biết kêu ai khi những hợp đồng đã ký với các đại lý cung cấp dầu diezel của họ bị hủy với lý do khó khăn về nguồn hàng, không nhận được hàng dồi dào mà nhỏ giọt từng đợt hàng “chỉ bằng một phần mười trước kia”.

Đem sự việc trên trao đổi với ông Vương Thái Dũng - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam, chúng tôi nhận được câu khẳng định: Mặc dù tình hình giá dầu quốc tế có căng thẳng, nhưng Petrolimex vẫn cung cấp đầy đủ nguồn hàng cho các doanh nghiệp cũng như đại lý trong nước.  

Ông Dũng cũng cho biết: Chưa bao giờ Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam thiếu nguồn xăng dầu để cung cấp cho tất cả các doanh nghiệp, đại lý, cửa hàng trực thuộc Tổng Công ty. Đặc biệt, không bao giờ có việc không cấp đủ hàng theo hợp đồng cũng như tiến độ đã cam kết.

Nhiều doanh nghiệp vận tải ngừng hoạt động vì thiếu xăng, dầu 

Theo ông Dũng, việc các cửa hàng treo biển “hết xăng” hay “nghỉ bán hàng” có thể được nhìn nhận dưới 2 góc độ: Hoặc là họ cố tình “găm hàng” chờ giá cao, hoặc là họ hết hàng thật.

Tương tự, ông Vương Đình Dung - Giám đốc Cty Xăng dầu Quân đội cũng khẳng định: Mặc dù đang phải bù lỗ nhưng chúng tôi luôn đảm bảo nguồn hàng cho các đại lý, cửa hàng của mình, nhằm tránh hiện tượng đi ngược lại chủ trương của Nhà nước.

Mới đây, Bộ Tài chính đã công bố giảm thuế nhập khẩu xăng từ mức 12% xuống còn 6%, áp dụng đối với các tờ khai hải quan ngay từ ngày 1/1/2011. Ngoài xăng, các mặt hàng dầu như dầu hỏa, diezel áp dụng thuế suất 2%, thay cho mức 5% hiện hành. Hi vọng, việc giảm thuế nhập khẩu các mặt hàng trên sẽ giảm bớt tình hình thua lỗ của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối, đồng thời thực hiện chỉ thị của Thủ tướng tiếp tục giãn tăng giá đến hết quý I/2011.


Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Bình luận
vtcnews.vn