Những ngành triển vọng đáng đầu tư trên TTCK 2011

Kinh tếThứ Tư, 22/12/2010 11:00:00 +07:00

(VTC News) - Trong năm 2011, theo BSC, những ngành xuất khẩu như dệt may, da giày và thủy sản, tiêu dùng nội địa, VLXD, khai khoáng đáng được cân nhắc đầu tư.

(VTC News) - Trong năm 2011, theo Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC), những ngành xuất khẩu như dệt may, da giày và thủy sản, tiêu dùng nội địa, VLXD, khai khoáng kim loại quý, than là những ngành đáng được cân nhắc đầu tư.

Tại Hội thảo về Cơ hội, rủi ro của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam & Triển vọng đầu tư ngành do BSC tổ chức vào ngày 21/12/2010, bộ phận phân tích BSC tỏ ra tin tưởng hơn về bức tranh vĩ mô đã qua đáy và khá hơn của nền kinh tế năm 2011. Những lo lắng về lạm phát, căng thẳng về tỷ giá đang giảm dần. “Tất cả những vấn đề về lạm phát, khủng hoảng sẽ được giải quyết trong quý I/2010 này”, Ths.Tống Minh Tuấn, bộ phận phân tích BSC nhận xét.

“Đừng chạy theo mã nóng”

Khuyến nghị với các nhà đầu tư chứng khoán không nên chạy theo mã nóng.
Trong phiên giao dịch gần đây, các NĐT rất thích mã cổ phiếu nóng và khi không mua được, NĐT luôn có cảm giác rất tiếc. Tuy nhiên, để đầu tư dài hạn, theo đánh giá của các chuyên gia: “NĐT nên đầu tư những mã Blue–chips có vốn hóa lớn hoặc ít ra cũng dành một phần tiền để mua và đầu tư, chuyện lướt sóng các mã nóng chỉ nên dành một phần nhỏ tỷ trọng mà thôi”.

Chiến lược đầu tư mà BSC khuyên NĐT nên cân nhắc trong năm 2011 là cần căn để mua được mức giá hợp lý. Thứ hai là tận dụng lực cầu của NĐT nước ngoài, chọn những mã cổ phiếu cơ bản, có vốn hóa lớn và room nước ngoài nhiều. Thêm nữa, các NĐT nên mua theo giá trị cơ bản, đừng chạy theo mã nóng.

“Thực tế cho thấy: Qua quá trình nghiên cứu, chạy theo mã nóng có thể ăn 100% trong ngắn hạn, nhưng về dài hạn lại “nhảy ra nhảy vào”, chung quy lại không bằng giá trị mà chúng ta mua và nắm giữ”, Ths.Hoàng Anh Tuấn  cho biết.

Ngoài ra, NĐT nên bán ra để thu lợi nhuận theo kỳ vọng. BSC khuyến nghị khách hàng khi đã có lợi nhuận thì nên bán ra, thu tiền về và chuyển sang mã khác, đợi những đợt sóng khác. “Thời điểm này, thay vì tiếc các mã đã tăng 50%, chúng ta nên tìm các mã cổ phiếu cơ bản chưa tăng nóng, nên chuẩn bị tiền đầu tư vì khi thị trường ổn định chắc chắn giá cả sẽ cao và chúng ta sẽ thu được lợi nhuận”, Ths.Tuấn tư vấn.

Trong năm 2011, theo BSC, những ngành xuất khẩu như dệt may, da giày và thủy sản, tiêu dùng nội địa, VLXD, khai khoáng kim loại quý, than là những ngành đáng được cân nhắc đầu tư.

Theo báo cáo của Ths.Phạm Xuân Anh, bộ phân phân tích của BSC: Tháng vừa qua, chứng khoán phát triển rất tốt trên 30%, tiếp theo là ngân hàng, BĐS, cao su, xây lắp và khai khoáng. “Những ngành gần như không tăng là dệt may, dược phẩm, bia, rượu, than, thủy sản trong đó dược phẩm tăng cao nhất cũng chưa đầy 8% trong vòng 1 tháng qua. Đây cũng là một cơ hội để chúng ta xem xét đầu tư vào những ngành chưa tăng”, Ths. Phạm Xuân Anh nói.

Dựa vào 3 tiêu chí: Kết quả kinh doanh tốt trong 2010, 2011, thanh khoản tốt (trên 50 – 100k cổ phiếu/ngày), tăng chưa nhiều trong giai đoạn vừa qua, triển vọng các ngành năm 2011 có thể được tóm tắt như sau:

1. Triển vọng tăng trưởng tốt

Dệt may, da giày và thủy sản:Ngành dệt may trong năm qua tăng trưởng tốt, xuất khẩu nhiều sang các thị trường. Tuy vậy, hạn chế của ngành dệt may là lương nhân công thấp nên có xu hướng chuyển dịch lao động sang các ngành khác.

Với thủy sản, 2 nhóm sản phẩm xuất khẩu nhiều nhất của Việt Nam hiện nay là tôm và cá tra chiếm khoảng 70% kim ngạch xuất khẩu. Nhưng trong thời gian qua, cá tra gặp nhiều vấn đề khó khăn.  Theo các chuyên gia đánh giá: Đây chỉ là rào cản kỹ thuật để hạn chế, thắt chặt xuất khẩu khi Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu quá mạnh, NĐT không nên quá lo lắng. Bởi trong thương mại quốc tế thường xuyên có những xung đột về thị trường nên không đáng lo ngại. Tháng vừa qua, thủy sản tăng 7 – 8%, NĐT có thể chú ý lựa chọn và xem xét.


Mặc dù cá tra gặp nhiều khó khăn trong vấn đề xuất khẩu nhưng ngành thủy sản vẫn được coi là ngành triển vọng trong năm 2011 (Ảnh: Internet)

“Tôi nhấn mạnh kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp liên quan tới xuất khẩu trong năm 2011 sẽ rất tốt”, Ths. Phạm Xuân Anh nhận xét.

Dịch vụ cảng biển: Lâu nay, các NĐT hay nhầm lẫn giữ dịch vụ cảng biển và vận tải biển. Mặc dù một số đơn vị có mức độ thanh khoản thấp nhưng kết quả kinh doanh lại rất tốt.  Ví dụ điển hình như cảng Đặng Xá, lợi nhuận trung bình trên 13.000 đồng/cổ phiếu.


Tiêu dùng nội địa:
Trong 2 năm vừa qua, kinh tế của Việt Nam gặp khó khăn theo tác động của suy thoái toàn cầu tuy nhiên do sức cầu tiêu thụ nội địa rất tốt nên GDP vẫn giữ được trên 5%. Đặc biệt xu hướng của Việt Nam hiện nay là tiêu dùng nhiều hơn tiết kiệm so với cách đây vài năm. Đây là xu hướng tiêu dùng mới tạo đà cho các ngành tiêu dùng nội địa tăng trưởng tốt, bình quân tăng 20%. Trong đó đáng chủ ý có chế biến thực phẩm, đồ uống, hàng tiêu dùng cá nhân và gia đình. Chính vì vậy, NĐT nên quan tâm nhiều hơn tới lĩnh vực này.

Vật liệu xây dựng:
Các loại gạch trong thời gian qua luôn có tỷ suất lợi nhuận trung bình khoảng 50%, lợi nhuận dòng trên doanh thu duy trì khoảng 30%. Tuy nhiên, đặc tính của nhóm gạch này thanh khoản trên thị trường thấp. Ngoài ra, vật liệu xây dựng đặc thù cũng đang phát triển và thu hút nhiều NĐT.

Khai khoáng: Kim loại quý, than, vẫn luôn là ngành đem lại tỷ suất lợi nhuận cao về mặt kinh doanh trong năm 2011.

2. Triển vọng tăng trưởng khá

Đô thị, du lịch: Các NĐT quan tâm tới BĐS cần xem xét theo từng khu vực bởi hầu hết các doanh nghiệp muốn phát triển thị trường BĐS ở khu vực phía Bắc đặc biệt là địa bàn quanh Hà Nội vẫn là những doanh nghiệp có tiềm năng phát triển tốt, các dự án tiếp tục đem lại hiệu quả cao. Hiện nay, mức tổng cung của các doanh nghiệp phát triển BĐS khu vực phía Bắc nói chung thấp hơn so với lượng cầu nên giá đô thị, nhà liền kề sẽ tăng trong năm 2011.

Ngoài ra, BĐS du lịch hiện nay khá phát triển. Khi phân khúc thị trường ở ngoài Bắc rất “nóng” trong khi miền Nam bão hòa, các công ty đầu tư nước ngoài đổ nguồn vốn vào miền Trung rất nhiều, đặc biệt là các dự án về resort, BĐS có gắn với du lịch, sinh thái.

Vật liệu cơ bản: Vật liệu cơ bản luôn là ngành kinh tế đi đầu, vì khi đất nước phát triển thì ngành vật liệu sẽ là ngành tiêu thụ nhiều nhất, trong đó, mặt hàng được nhiều NĐT quan tâm nhất có sắt thép, cao su, nhựa công nghiệp.

Đặc biệt khi nền kinh tế đi vào ổn định và phát triển, những ngành vật liệu cơ bản sẽ được đón nhận nhiều sự chú ý của giới đầu tư, kể cả của nước ngoài.

Ngoài ra, các ngành tiếp tục ổn định gồm: Dược phẩm, dầu khí, bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin, ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, chế tạo máy, cơ khí, điện, giáo dục đào tạo, du lịch giải trí.

Hai ngành trong năm 2011 sẽ còn gặp khó khăn là: Vận tải biển và xi măng. 

Ngành vận tải biển gặp khó khăn vì nhu cầu thuê tàu biển hiện nay rất thấp phải phụ thuộc vào nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc. Khi Trung Quốc tăng nhu cầu nhập khẩu kim loại quặng thô thì mới thúc đẩy chỉ số BDI tăng, khi chỉ số này tăng từ 4.500- 5.000 điểm thì bắt đầu các ngành doanh nghiệp thuê tàu biển mới có lãi. Nếu dưới 4.500 điểm thì về cơ bản không bù đắp nổi chi phí.

Đối với xi măng: Do cung vượt quá cầu quá nhiều nên xi măng không có cơ hội cải thiện trừ khi có sự thay đổi về quy hoạch cấu trúc ngành xi măng. “Nếu NĐT có đầu tư tiền vào ngành này thì nên thoái trong thời gian tới” - Ths. Phạm Xuân Anh chân thành khuyên.

 Ngành tiềm năng & mã cổ phiếu đáng chú ý

- BĐS-Xây dựng: LGL, D2D, FDC, DIG, LCG, ITC, SJS, HDC, TDH.
- Thép: VIS, HPG, VGS, HLA, HSG, DTL
- Dệt may: TCM, TNG, GIL
- Thủy sản: AVF, VHC, MPC, ABT. 
- Dịch vụ cảng biển: GMD, VSC, DVP, DXP.
- Bia: HAD
- Khoáng sản kim loại quý: HGM, KSS, KTB
- Tài chính: (khi thị trường tốt): VCB, CTG



Phương Hạ


Bình luận
vtcnews.vn