Chạy đua lãi suất, các ngân hàng "chơi khăm" đối thủ

Kinh tếThứ Bảy, 18/12/2010 04:06:00 +07:00

Bị đối thủ giật vốn, một số nhà băng đã tung ra nhiều chiêu để trả đũa khiến nhân viên, lãnh đạo ngân hàng đối thủ phải đếm tiền lẻ mệt nghỉ.

Bị đối thủ giật vốn, một số nhà băng đã tung ra nhiều chiêu để trả đũa khiến nhân viên, lãnh đạo ngân hàng đối thủ phải đếm tiền lẻ mệt nghỉ, giải trình liên miên và nhiều phen khóc dở mếu dở.

Cùng đi với khách hàng đến một nhà băng để rút tiền, chị Hằng – nhân viên của một ngân hàng cổ phần tại Hà Nội, gặp phải những bộ mặt hằm hằm của giao dịch viên và trưởng phòng giao dịch. Trong 2 ngày, chị phải đến đây tới 4 lần để rút tiền cùng khách và đưa về ngân hàng của mình với tổng số tiền lên tới gần 6 tỷ đồng.

Với những khách hàng thông thường, nhân viên của nhà băng rất nhẹ nhàng và lịch sự. Nhưng nhìn thấy chị Hằng trong đồng phục nhân viên một ngân hàng khác đi rút tiền hộ khách hàng, giao dịch viên mặt “trông như đâm lê” và nói năng với thái độ khó chịu. Chưa hết, một khách hàng rút tiền lên tới gần 2 tỷ đồng nhưng bộ phận quỹ lại xuất ra trả toàn tiền 50.000 đồng và lẫn cả 20.000 đồng chứ không chi tiền mệnh giá cao hơn.

Nếu đối thủ đến rút tiền cùng khách hàng, nhân viên cho một đống tiền mệnh giá nhỏ cho bõ ghét. 
Khách hàng thì buồn cười nhưng không bực mình bởi họ không phải kiểm đếm hoặc mang vác tiền mà chỉ đơn thuần nhận sổ tiết kiệm mới với lãi suất cao hơn. Còn với chị Hằng, bộ phận đi hộ tống và ngân quỹ thì một phen “bở hơi tai” với mớ tiền được chi. Nhân viên này tâm sự: “Trong thời buổi ai cũng phải chạy theo chỉ tiêu huy động vốn mà nhìn thấy đối thủ giật tiền của mình ngay trước mặt thì ai chả bực. Tôi hiểu điều đó nên việc bị lạnh nhạt và gây khó dễ cũng là bình thường”.

Tuy nhiên, việc đưa bộ mặt khó chịu, chi tiền lẻ chỉ là chiêu “hiền” nhất. Với các nhà băng bị rút vốn, chiêu phổ biến là đi ghi lại bằng chứng đối thủ huy động với mức lãi suất khủng vượt mức cam kết 14% để gửi tới Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần nhỏ tiết lộ, cán bộ kiểm tra của Ngân hàng Nhà ước chỉ đi điểm, làm sao mà biết được hết. Tuy nhiên, với đối thủ cạnh tranh, ngân hàng bạn tăng lãi suất là họ biết ngay và có thể tìm được bằng chứng dễ dàng. Họ cũng “tố” lên cơ quan quản lý nhưng ngân hàng bạn thấy “động” là lập tức “rút vào bí mật” nên việc cảnh cáo các nhà băng vi phạm đồng thuận không nhiều.

Ông này tiết lộ, nhân viên bây giờ ít “tố” với báo chí vì khi báo đăng, khách hàng ào ạt tới gửi tiền ở chỗ đối thủ thì chính bản thân ngân hàng báo tin lại bị rút vốn mạnh hơn. “Để phạt được nhà băng tăng lãi suất lên quá đồng thuận thì còn lâu mà cái hại đã nhãn tiền nên phải làm kín”, lãnh đạo này nói.

Trong khi đó, có nhà băng lên tiếng “tố” Techcombank làm náo loạn thị trường cũng lén huy động với lãi suất 17% một năm, thậm chí cao hơn với một số khách hàng. Tổng giám đốc một nhà băng cổ phần tại TP HCM cho biết: “Ngân hàng nào cũng muốn huy động thêm vốn cả nhưng không ai muốn khai là mình huy động cao. Còn việc Techcombank lỡ công bố cho bàn dân thiên hạ thì ráng mà chịu thêm vài lời ‘dậu đổ bìm leo’ cũng là chuyện bình thường”, ông này bình luận.

Còn lãnh đạo một ngân hàng quốc doanh tại Hà Nội thì nhận định, vụ nhét tờ rơi quảng cáo lãi suất 17% đến 2 lần vào nhà riêng Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - Nguyễn Văn Giàu, chắc chắn là do người của nhà băng khác. “Chắc đơn vị này bị giật vốn nhiều mà không làm gì được nên đi ‘thầy dùi’ để cho Techcombank dính đòn nặng hơn cho bõ tức”, ông này bình luận.

Chuyên gia tiền tệ có nhiều năm kinh nghiệm này còn cho biết, sau khi Techcombank bị “tuýt còi” với tờ rơi quảng cáo lãi suất 17% bị đăng khắp các mặt báo, nhà băng nào cũng sợ bị lộ. Ông này nói: “Bây giờ thì tất cả các loại lãi suất huy động thỏa thuận đều rút vào bí mật hoàn toàn cho đảm bảo an toàn. Lỡ trưng quảng cáo ra báo chí hoặc đối thủ chụp được, nộp cho Ngân hàng Nhà nước hoặc thì khổ”.

Theo VnExpress

Bình luận
vtcnews.vn