Nhập nhèm khuyến mãi, NTD chỉ biết “ngậm bồ hòn”

Kinh tếThứ Tư, 01/12/2010 06:00:00 +07:00

Lợi dụng "Tháng khuyến mại" nhiều điểm bán hàng không nằm trong chuỗi chương trình này cũng trưng biển giảm giá hấp dẫn như "giảm giá cực mạnh, cực sốc".

Cho đến thời điểm này, "Tháng khuyến mại" đã sắp kết thúc, nhưng đằng sau những tựa đề "hàng chất lượng giá rẻ" lại khiến người tiêu dùng thêm những nghi ngại về các chiêu câu khách của doanh nghiệp khi lợi dụng "Tháng khuyến mại" nhiều điểm bán hàng không nằm trong chuỗi chương trình này cũng trưng biển giảm giá hấp dẫn như "giảm giá cực mạnh, cực sốc".


“Bánh vẽ” khuyến mại

Tháng khuyến mại 2010 với hơn 1.000 điểm khuyến mại với 23 "điểm vàng"  được xem là chiến lược kích cầu của thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, lợi dụng "Tháng khuyến mại" nhiều điểm bán hàng không nằm trong chuỗi chương trình này cũng trưng biển giảm giá hấp dẫn như "giảm giá cực mạnh, cực sốc".

Theo ghi nhận của PV, tuy là "Tháng khuyến mại" nhưng những sản phẩm giảm giá thực sự thì rất ít, chủ yếu chỉ khuyến mãi hàng tặng kèm, hoặc công lắp đặt... Đơn cử như khi mua máy điều hòa nhiệt độ bán tại một số siêu thị điện máy thì được khuyến mãi tiền công lắp đặt 500 - 700 nghìn đồng, nhưng trên thực tế, giá lắp đặt một chiếc máy lạnh chỉ dao động từ 250.000 - 300.000 đồng/chiếc.

Nhiều mặt hàng khuyến mãi vẫn còn nhập nhèm về chất lượng 

Khảo sát một vòng các siêu thị điện máy (mặt hàng được giảm giá nhiều) mới thấy rối rắm chuyện ưu đãi, giảm giá. Các chương trình khuyến mãi nở rộ khiến khách hàng như lạc vào ma trận. Giá nhiều sản phẩm tại các siêu thị điện máy khác nhau, mỗi siêu thị niêm yết mỗi giá. Cái gọi là giá chính hãng, nguyên giá cũng mỗi nơi mỗi khác. Tất cả những chiêu quảng cáo đó người mua tưởng chừng sẽ mua được hàng rẻ nhưng thực tế lại phải trả đúng giá, thậm chí cao hơn giá niêm yết.

Nạn nhân kêu giời

Theo ghi nhận của PV, tại các tuyến phố Chùa Bộc, Phạm Ngọc Thạch, Giảng Võ, Thái Hà... phần lớn các cửa hàng treo băng rôn, biển quảng cáo giới thiệu các chương trình khuyến mãi, giảm giá hấp dẫn, đặc biệt là bán hàng lưu động. Theo phản ánh của chị Hương (Phố Giáp Nhất, Hoàng Mai, Hà Nội): Hôm 20/11, trên đường từ cơ quan về qua phố Trương Định, chị Hương bắt gặp một điểm bán hàng có treo biển "Điểm bán hàng khuyến mại" với khẩu hiệu "Đem sản phẩm giá gốc tới tay người tiêu dùng" chuyên bán đồ gia dụng, nồi inox, chảo chống dính..., do tin tưởng đây là điểm bán hàng khuyến mại nằm trong hệ thống của TP.Hà Nội nên chị Hương đã chọn mua bộ nồi inox gồm 3 chiếc với giá 545 nghìn đồng, mua bộ chảo chống dính 4 chiếc với giá 850 nghìn đồng.

Tuy nhiên, sau khi sử dụng 3 ngày, chảo chống dính đã mất hết lớp chống dính. Do nghĩ là điểm bán hàng theo "Tháng khuyến mại" nên mãi đến ngày 24/11 chị Hương mới quay lại để hỏi rõ về sản phẩm thì mới té ngửa đó là cửa hàng lưu động.


Không phải riêng trường hợp chị Hương, nhiều khách hàng bị lừa mua phải hàng rởm, hàng nhái tại những điểm bán hàng lưu động và chỉ sau một hôm "không còn dấu vết". Thậm chí khách hàng còn mua phải hàng tồn kho, hàng bị lỗi. Những cửa hàng này thường quy định hàng mua rồi miễn trả lại để tránh dây dưa với người mua, trong khi đó nếu mua ngày thường thì được đổi lại. Chính vì vậy, nếu không xem xét kỹ trước khi mua thì rất dễ mua phải những sản phẩm kém chất lượng với giá không hề rẻ chút nào.

Một khách hàng gọi điện đến toà soạn phản ánh: "Tôi thấy tại siêu thị điện thoại trên đường Thái Hà trưng biển tháng khuyến mại giảm giá, tôi có hỏi mua một chiếc điện thoại Lenovo P60 với giá 1, 65 triệu đồng với giá đã được khuyến mại 10%. Tuy nhiên, cũng với loại điện thoại này, một siêu thị điện thoại bán với giá 1, 55 triệu đồng. Như vậy, tôi đã bị mua đắt hơn 100 nghìn đồng. Tôi hỏi giá tại một cửa hàng điện thoại khác có giá thấp hơn 200 nghìn đồng. Thế mới biết giá cả khuyến mại cũng đủ giá. Điều khiến người dân chúng tôi  nghi ngại nhất là hiện tượng nâng giá sản phẩm lên rồi khuyến mại".

Bỏ ngỏ quản lý?

Trong khi người tiêu dùng bán tín bán nghi về chất lượng hàng khuyến mại thì phía cơ quan quản lý - Sở Công Thương Hà Nội - chưa thể thống kê được giá hàng nghìn mặt hàng trước khuyến mãi là bao nhiêu để đối chiếu. Trao đổi với PV qua điện thoại, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho biết, cũng không loại trừ doanh nghiệp làm ăn thiếu trung thực, quảng cáo khuyến mãi rùm beng nhưng được một tuần đã kêu "hết hàng". Điều đó là lừa đối khách hàng. Theo quy định, kết thúc khuyến mãi, đặc biệt là khuyến mãi rủi ro (bốc thăm trúng thưởng) phải thống kê và thông báo đến khách hàng, nếu quà tặng trúng thưởng không có khách trúng hết thì phải nộp 50% giá trị đó vào kho bạc nhà nước. Nhưng rất ít doanh nghiệp thực hiện đúng điều này. Những năm trước chỉ có 30% doanh nghiệp báo cáo sau tháng khuyến mãi, thế nên chưa ai thống kê người tiêu dùng được hưởng chênh lệch về giá khuyến mại là bao nhiêu...

Điều đáng nói, trong Tháng khuyến mại, các cơ quan chức năng đã thiết lập tổng đài 04.1081 kết nối đến Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, các Chi cục Quản lý thị trường để người dân phản ánh, khiếu nại về hàng giả, hàng kém chất lượng. Tuy nhiên, phần khách hàng mua phải hàng "rởm" chỉ "ngậm bồ hòn làm ngọt", không phản ánh đến cơ quan chức để bảo vệ quyền lợi của mình.         
 


Theo Đời sống&Pháp luật


 Mọi lúc, mọi nơi mỗi người trong chúng ta đều có thể lập tức giúp đỡ được cho đồng bào miền Trung.

Nhắn tin theo cú pháp đơn giản UH gửi 1405 (10.000đ/tin) hoặc UH gửi 1409 (18.000đ/tin) của Cổng thông tin nhân đạo quốc gia là bạn đã hành động thiết thực để cứu trợ đồng bào miền Trung ruột thịt.

Bình luận
vtcnews.vn