Giá sữa cao do DN "nặng tay" chi tiền quảng cáo

Kinh tếChủ Nhật, 03/10/2010 07:02:00 +07:00

(VTC News) – Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, để giá sữa bột đỡ cao như hiện nay, mức chi phí dành cho quảng cáo của DN cần hạ xuống.

(VTC News) – Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính, để giá sữa bột đỡ cao như hiện nay, mức chi phí dành cho quảng cáo của doanh nghiệp cần hạ xuống. Vì doanh nghiệp bán sữa chi cho quảng cáo khá “nặng”.

 
Doanh nghiệp sữa chi 30% doanh thu cho quảng cáo
 
Từ thực trạng sữa bột có biến động tăng giá liên tục trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã có động thái tích cực nhằm kiểm soát giá sữa, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.
 

Sữa MeadJohnson của công ty phân phối Tiên Tiến thuộc đối tượng kê khai giá khi công ty này tăng giá bán sữa.

Theo đó, thông tư 122/2010/TT-BTC (thông tư sửa đổi thông tư 104 ban hành ngày 13/11/2008 quy định các điều kiện áp dụng biện pháp bình ổn giá khi có biến động giá bất thường ở 16 mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, xi măng, thép xây dựng, khí hóa lỏng, sữa, đường, gạo, thuốc chữa bệnh… - PV) đã được ban hành và có hiệu lực từ 1/10/2010. Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Cục trưởng Cục quản lý giá, Bộ Tài chính - cho biết: Cục đã gửi thông báo đến các doanh nghiệp phải đăng ký giá trong các lĩnh vực xi măng, thép xây dựng, khí hóa lỏng, phân bón… trong đó có mặt hàng sữa.

 
Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá theo thông tư 122/2010/TT-BTC:

1. Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá theo quy định tại Điều 6 của Pháp lệnh Giá, bao gồm:
a) Xăng, dầu;
b) Xi măng;
c) Thép xây dựng;
d) Khí hóa lỏng;
đ) Phân bón hóa học;
e) Thuốc bảo vệ thực vật;
g) Thuốc thú y: vac xin lở mồm long móng; vac xin cúm gia cầm; các loại  kháng sinh: Oxytetracycline, Ampicilline, Tylosin, Enrofloxacin;
h) Muối;
i) Sữa;
k) Đường ăn (đường trắng và đường tinh luyện);
l) Thóc, gạo;
m) Thuốc phòng, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh chủ yếu sử dụng tại các cơ sở khám, chữa bệnh do Bộ Y tế quy định;
n) Cước vận chuyển hành khách bằng đường sắt loại ghế ngồi cứng;
o) Một số loại thức ăn chăn nuôi gia súc: ngô, đậu tương, khô dầu đậu tương.
Trong danh sách doanh nghiệp phải đăng ký, nếu có biến động giá kể từ ngày 1/10/2010 có 6 doanh
nghiệp sữa phải đăng ký là Công ty TNHH FrieslanCampina (công ty có nhãn hàng sữa bột Dutch Lady Gold, Friso…- PV); Công ty Nestle Việt Nam; Công ty dược phẩm 3A; Công ty Mead Johnson Nutritions; Công ty TNHH phân phối Tiên Tiến; Công ty sữa Meiji Việt Nam và Công ty Seryung.
 
Ông Nguyễn Tiến Thỏa cho biết: “Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải đăng ký mức giá bán hàng hóa, dịch vụ do mình quyết định theo quy định bắt buộc và quyết định giá hoặc điều chỉnh giá trong điều kiện giá thị trường có biến động bất thường.
 
Các doanh nghiệp bắt buộc phải đăng ký giá với cơ quan nhà nước dựa trên tiêu chí như sản phẩm nằm trong danh mục hàng bình ổn giá, theo loại hình doanh nghiệp, theo vùng miền, thị phần…”.
 
Như vậy, việc đăng ký giá được thực hiện trước khi các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh bán sản phẩm lần đầu sản xuất, kinh doanh ra thị trường; trước khi điều chỉnh giá các sản phẩm đã sản xuất, kinh doanh và đang bán bình thường thuộc danh mục phải đăng ký giá hoặc khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
 
Để kiểm soát giá tốt hơn đối với mặt hàng sữa bột trẻ em, ông Thỏa cho rằng: “Chúng ta cần tổ chức lại hệ thống cấp phép, phân phối và kiểm soát chất lượng sữa. Họ nói lý do tăng giá sữa là vì sữa này có công thức mới nhưng không ai kiểm soát, bên Cục quản lý giá sẽ gặp khó khăn. Nên khi hãng sữa công bố thành phần mới, trách nhiệm Bộ Y tế cần kiểm soát công nhận thành phần mới đó”.
 
Còn theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính, để giá sữa bột đỡ cao như hiện nay, mức chi phí dành cho quảng cáo của doanh nghiệp cần hạ xuống. Vì doanh nghiệp bán sữa chi cho quảng cáo khá “nặng”.

Ông Tuấn nói: “Sau khi thanh tra các đơn vị sữa vào tháng 12/2009, chúng tôi thấy có 2 yếu tố bất hợp lý là chi phí bán hàng quá lớn. Chi phí quảng cáo chiếm ước khoảng 30% so với doanh thu. Theo thuế thu nhập doanh nghiệp thì chi phí cho quảng cáo trên 10% là bất hợp lý. Cách tính giá sữa hình thành dựa trên hơn 10 yếu tố, và yếu tố quan trọng nhất là chi phí quảng cáo cao”.

 
Thông tư 122 có hiệu lực, như vậy, nếu khi có biến động giá, các doanh nghiệp này không đăng ký giá, hay đưa ra hàng hóa, dịch vụ không đúng với các yếu tố hình thành giá theo các quy định về tính giá hàng hóa, dịch vụ của Bộ Tài chính sẽ bị xử phạt hành chính, đình chỉ việc thực hiện giá hàng hóa…
 
Sữa Abbott của công ty dược phẩm 3A cũng phải kê khai giá khi hãng này muốn tăng giá bán.

Cao hơn, nếu các doanh nghiệp vi phạm, cơ quan có thẩm quyền có thể tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Trường hợp hành vi vi phạm có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, các cơ quan có thẩm quyền kiểm soát các yếu tố hình thành giá quy định tại Nghị định số 75/2008/NĐ-CP, chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

 
Trong thông tư 122 có đề cập đến mặt hàng phải đăng ký giá là sữa pha chế theo công thức dạng bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Vậy liệu quy định này có để “kẽ hở” cho doanh nghiệp lách để tăng giá các mặt hàng sữa dành cho người ốm, cho phụ nữ mang thai?
 
Trả lời vấn đề này, ông Cục trưởng cục Quản lý giá khẳng định: “Thông tư 122  không có kẽ hở vì có nói đến danh mục mặt hàng bình ổn giá theo nghị định 75 như vậy có sữa nói chung là chịu biện pháp bình ổn giá chứ không chỉ sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Với sữa bột cho trẻ dưới 6 tuổi là mặt hàng thiết yếu nhất nó hay biến động giá nên thông tư yêu cầu rõ hơn bằng cách phải đăng ký giá”.

Đại lý vẫn “dọa” sữa còn tăng giá
 
Thông tư 122/2010/TT-BTCcó hiệu lực khiến nhiều người tiêu dùng (NTD) hy vọng, giá sữa trên thị trường trong thời gian tới sẽ bình ổn hơn.

Hiện nay, khảo sát
tại một số đại lý bán sữa bột dành cho trẻ em ở Hà Nội, phóng viên VTC Newsnhận thấy có sự chênh lệch giá khá lớn giữa các đại lý trên cùng một dòng sữa.

 
Với gia đình có 2 con nhỏ cùng uống sữa bột thì việc tăng giá sữa sẽ ảnh hưởng tới túi tiền của họ.

Tại đại lý Hoàng Phú (55 Thái Thịnh, Đống Đa, Hà Nội),
sữa Meiji Gold số 1 có giá 362,9 ngàn đồng/kg, số 2 giá 344,3 ngàn đồng/hộp 900gr. Sữa Milex số 1 giá 356 ngàn đồng/hộp 900 gr, số 2 giá 323 ngàn đồng/hộp 900 gr. Sau khi thông báo cho khách giá của các dòng sữa, chủ cửa hàng tiết lộ thêm: “Sữa sắp tăng giá 10% đấy nhé!”.
 
Tại đại lý Mai Lan (192 Sơn Tây, Đống Đa, Hà Nội), sữa bột trẻ em Milex số 2, loại 900gr giá 310 ngàn đồng/hộp, Meiji Gold số 2 giá 345 ngàn đồng/hộp 900 gr.
 
Còn ở đại lý Nghi Nga (184 Tây Sơn - Hà Nội),giá các sản phẩm sữa bột công thức dành cho trẻ em dưới 6 tuổi của Enfa không có biến động. Sữa bột Milex số 1 giá 345 ngàn đồng/hộp 900gr, số 2 giá 330 ngàn đồng/hộp 900gr. Tại đây còn dán biển cam kết sữa Milex sẽ “không tăng giá đến 12/2010”. Sữa bột Meiji số 1 loại 900gr giá 365 ngàn đồng/hộp, Meiji số 2 giá 345 ngàn đồng/hộp 900 gr, số 3 giá 330 ngàn đồng/hộp 900 gr.
 
Trước đó, tại đại lý này, giá sữa Abbott đã bán giá tăng theo đề nghị công ty Công ty TNHH dược phẩm 3A, nhà phân phối chính thức của Abbott điều chỉnh giá tăng trung bình 7% đối với 3 dòng sản phẩm là Similac IQ, Similac Gain IQ và Gain Plus IQ.
 
Hiện tại, giá sữa Pediasure của Abbott loại 400 gr có giá 215 ngàn đồng/hộp và 410 ngàn đồng/hộp 800gr; Ensure gold 216 ngàn đồng/hộp 400 gr, 452 ngàn đồng/hộp to.
 
Sữa tại đại lý Hà Thanh, 55A Thái Thịnh cũng có giá chênh lệch so với các đại lý khác từ vài ngàn đến chục ngàn, cụ thể sữa Milex số 2 giá 320 ngàn đồng/hộp 900 gr, Meiji Gold số 2 giá 340 ngàn đồng/hộp 900gr.

Thời gian gần đây, các hãng sữa thi nhau tăng giá, cụ thể cuối tháng 7, đầu tháng 8, giá sữa bột Dumex, Abbott, XO lần lượt tăng 10%, 7%, 2,5%. Nhiều bậc phụ huynh đi mua sữa cho con đã quá quen với lời “dọa”  sữa sẽ còn tiếp tục tăng giá của các đại lý.

 
Chị Hoàng Hiếu trú tại Thái Hà (Đống Đa, Hà Nội) có 2 con nhỏ thường xuyên dùng sữa. Kinh nghiệm của chị khi mua sữa là luôn so sánh giá loại sữa con mình hay uống ở một vài đại lý gần nhà, đâu rẻ hơn thì mua.

Tại các đại lý bên ngoài, có nơi khẳng định sắp tăng giá sữa Milex, nhưng có chỗ cho rằng không tăng từ nay đến hết tháng 12/2010. Còn tại với hệ thống siêu thị BigC, bà Nguyễn Thanh Huyền, phụ trách truyền thông Big C Bắc-Trung cho biết: “Hệ thống siêu thị Big C đã thương lượng thành công với sáu nhà cung cấp sữa ngoại và sữa nội về việc sẽ không tăng giá từ nay đến hết năm 2010. 6 hãng sữa này gồm  Meiji, FrieslanCampina, Vinamilk, Công ty Thực phẩm và nước giải khát Hanco, Mead Johnson và Abbott.

Ngoài 6 hãng sữa trên, phía BigC cũng đang thương lượng với một số hãng sữa khác về việc không tăng giá sữa bột từ nay đến cuối năm”.

 



Bài, ảnh:
Nguyễn Tâm


                       Đại lễ 1000 năm, bạn muốn đăng trên VTC News: 

              - Những lời ngẫu hứng, tự sự, tâm sự... của chính bạn?

                - Những bức ảnh, đoạn video... chỉ mình bạn ghi được?
                                                        
                       - Tin tức, bài viết xoay quanh sự kiện Đại lễ?

                                                            
Hãy gửi đến email
[email protected] 
                                                                        hoặc
[email protected]

Tất cả thông tin bạn gửi sẽ được Ban Biên tập VTC News tiếp nhận, xử lý để đăng tải. Trân trọng!


Bình luận
vtcnews.vn