Diamond Blue là "cú hích" để Piaggio và Honda giảm giá?

XeChủ Nhật, 03/10/2010 01:07:00 +07:00

(VTC News) – Việc kết hợp thế mạnh của 2 hãng xe nổi tiếng mà không phạm luật của Diamond Blue có thể sẽ là "cú hích" khiến xe Vespa và Honda giảm giá?

(VTC News) – Việc kết hợp thế mạnh của 2 hãng xe nổi tiếng mà không phạm luật của Diamond Blue có thể sẽ là "cú hích" khiến xe Vespa và Honda giảm giá để tăng khả năng cạnh tranh?

Dự đoán thú vị này vừa được Viện trưởng Viện Khoa học sở hữu trí tuệ Phạm Đình Chướng, nguyên Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ đưa ra trong cuộc trao đổi với phóng viên VTC News xung quanh mẫu xe gây xôn xao dư luận thời gian qua - Diamond Blue 125 của Công ty CPLisohaka.

- Chào ông, theo nguồn tin của VTC News, cả hai đơn vị là Công ty Piaggio Việt Nam và Lisohaka đều khẳng định có quyền sử dụng kiểu dáng xe Vespa LX và Diamond Blue nhưng không thể đăng kí độc quyền. Xin ông cho biết tại sao lại có tình trạng này?

Trong vụ việc xe Diamond Blue vừa rồi, hai cơ quan quản lý nhà nước có liên quan là Cục Đăng kiểm và Cục Sở hữu trí tuệ trả lời sẽ chính xác hơn. Tuy nhiên, về chuyên môn tôi cũng xin trao đổi một số ý kiến như sau. Trước hết, cần phân biệt khái niệm đăng kí độc quyền, đối với trường hợp này là đăng kí kiểu dáng, mẫu mã, dáng bên ngoài của chiếc xe máy.

 Viện trưởng Viện Khoa học sở hữu trí tuệ Phạm Đình Chướng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học sở hữu trí tuệ, nguyên Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ.
Về vấn đề này, Piaggio Việt Nam không đăng kí gì cả chứ không phải họ đã đăng kí nhưng không được độc quyền. Bởi nếu có đăng kí và được chấp nhận đăng kí thì sẽ được cấp giấy chứng nhận có tên là bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp. Việc đăng kí này giống như đăng kí sở hữu tài sản, chẳng hạn bạn có mảnh đất, bạn muốn xác nhận quyền sở hữu hợp pháp mảnh đất đó thì bạn phải làm thủ tục xin cấp sổ đỏ. Sổ đỏ được xem là độc quyền sử dụng kiểu dáng đó.

Ở đây, có hai chủ thể hai bên tranh chấp, Piaggio có kiểu dáng xe Vespa LX và như mọi người nói Lisohaka sản xuất xe máy có kiểu dáng giống Vespa. Tuy nhiên, trong trường hợp này không có người nào độc quyền nên không ai cấm ai được.

- Nếu bây giờ một trong hai bên đăng kí sở hữu độc quyền kiểu dáng có được không, thưa ông?

Bây giờ thì không được nữa vì theo luật, việc đăng kí muốn cấp bằng phải thỏa mãn một số điều kiện pháp luật quy định. Trong đó, có điều kiện là "phải có tính mới". Tính mới được hiểu là là kiểu dáng đó chưa được bộc lộ, chưa được công bố trong tài liệu nào hoặc chưa được sử dụng. Nhưng ở đây, kiểu dáng này không những đã được công bố mà còn được sử dụng tràn lan nên không còn tính mới. Vì thế, không ai có thể đăng kí độc quyền được nữa.

- Vậy trong thời gian tới, trên thị trường tiếp tục xuất hiện loại xe thứ 3, thứ 4 có kiểu dáng tương tự vẫn được xem là hợp pháp, phải không thưa ông?

- Đúng thế, nếu có loại xe thứ 3, thứ 4, thứ 5 tương tự hoặc thậm chí giống y hệt cũng không sao. Trong trường hợp đó, cả Piaggio Việt Nam lẫn Lisohaka đều không kiện được vì kiểu dáng đó không phải là độc quyền của ai cả nên sao anh cấm tôi được.

- Theo ông, liệu trong trường hợp này phải chăng Piaggio đã sơ suất nên không đăng kí độc quyền kiểu dáng của Vespa LX?

 Piaggio đã sơ suất nên không đăng kí độc quyền kiểu dáng có Vespa LX?

Điều này bạn phải hỏi Piaggio Việt Nam bởi nếu Piaggio coi kiểu dáng đó là tài sản cần bảo vệ (nói về kiểu dáng thôi chứ không phải toàn bộ xe) để không cho người khác dùng và sau đó trở thành như tài sản của mình, thì anh phải làm thủ tục với pháp luật để được cấp bằng độc quyền. Tuy nhiên, nếu Piaggio không coi đó là tài sản cần bảo vệ thì không thể nói là sơ suất được. Còn thực tế có sơ suất hay không chính Piaggio phải đánh giá.

- Đại diện Piaggio Việt Nam đã khẳng định, Piaggio có đăng kí độc quyền kiểu dáng LX trên thế giới nhưng không đăng kí ở Việt Nam?

Chuyện đó phải kiểm tra mới biết được, vì công ty mẹ của Piaggio phải biết đăng kí ở đâu. Đã đăng kí ở nước khác, tại sao lại không đăng kí ở Việt Nam?

- Thưa ông, việc Viện Khoa học sở hữu trí tuệ giám định mẫu Diamond Blue là do ai đề xuất?

Việc giám định là do phía Lisohaka đề nghị. Họ gửi đến một mẫu xe, kiểu dáng một mẫu xe và đề nghị giám định xem có xâm phạm quyền sở hữu kiểu dáng công nghiệp hay sở hữu trí tuệ của của 3 mẫu xe khác chứ không chỉ riêng xe Vespa LX của Piaggio.

Và để đánh giá xem kiểu dáng gửi đến đấy có xâm phạm quyền độc quyền kiểu dáng của ai trong số 3 mẫu xe đối, chúng tôi phải nghiên cứu xem xét 2 yếu tố. Thứ nhất, phải xem xét cái được đem ra đối chiếu có bằng sở hữu độc quyền không. Nếu kết luận ấy là không thì không còn căn cứ để đối chiếu nữa và lúc đó không thể kết luận có xâm phạm không vì làm gì có quyền mà bị xâm phạm. Còn nếu có bằng độc quyền thì sẽ giám định quyền bảo hộ.

- Ông có thể nói rõ hơn, trong trường hợp này việc giám định cụ thể như thế nào?

Ở đây, Piaggio và đơn vị nữa không đăng kí, không có bằng độc quyền nên không có căn cứ để đối chiếu. Riêng trường hợp thứ 3 là một sản phẩm của Công ty Sanyang, Đài loan (cũng là dòng xe scooter kiểu đó), có đăng kí bằng độc quyền. Và chúng tôi đã tiến hành giám định so sánh hai mẫu xe theo các tiêu chuẩn pháp luật quy định. Kết luận cuối cùng cũng là Lisohaka không vi phạm.

Chính vì thế, biên bản giám định của mẫu xe Diamond Blue có 3 kết luận khác nhau cho 3 đối tượng.

- Vậy bằng độc quyền có thời hạn hay không? Nếu có là trong bao lâu, thưa ông?

Giá trị bằng độc quyền là có thời hạn. Về lý thuyết tối đa là 15 năm và đó là thời hạn tối đa chủ sản phẩm đó được hưởng độc quyền. Sau đó, anh không được hưởng độc quyền nữa và mọi người có quyền sử dụng, sản xuất kiểu dáng đó. Điểm cơ bản của quyền SHTT là có thời hạn, nó khác với tài sản vật chất.

- Còn liên quan tới động cơ Honda, ông đánh giá thế nào về những thông tin xung quanh vấn đề này?

Nếu Lisohakacó vi phạm chắc chắn Honda cũng như Piaggio sẽ không thể ngồi yên như thế. Việc đăng kí độc quyền thực chất là để có căn cứ pháp luật để cấm, can thiệp trong những trường hợp như thế này. Tôi cho rằng bản chất vụ việc không có gì. Tuy nhiên, việc báo chí vào cuộc ít nhiều đã giúp Lisohaka quảng cáo cho xe Diamond Blue. Sau đó, tôi nghe nói xe đó bán rất chạy.

- Ông đánh giá thế nào về ảnh hưởng của việc xuất hiện một mẫu xe như Diamond Blue đối với thị trường xe máy và người tiêu dùng (NTD)?

Dĩ nhiên là có ảnh hưởng. Động cơ Honda và kiểu dáng Vespa là 2 thứ nổi tiếng vì thế, kết hợp 2 yếu tố này vào Diamond Blue, không khó để chiếc xe thành nổi tiếng và đây là một con đường đi tương đối thông minh khi tận dụng 2 thế mạnh của 2 hãng khác nhau mà không ai làm gì được anh.

Trước đây, nếu không có xe Trung Quốc vào gây áp lực thì làm sao có chuyện Honda Việt Nam tung ra các mẫu xe giá rẻ như Wave. Và chuyện này cũng thế. Ở một góc độ nào đó, mẫu xe này có thể là cú hích đối với dòng xe Vespa, khiến nó bị ảnh hưởng và có thể sẽ giảm giá.

Như vậy, xét về khía cạnh NTD, thì có thể nói NTD sẽ được lợi. Còn chuyện Honda và Piaggio có bị thất thiệt thì là do họ không sử dụng pháp luật bảo vệ chính mình.

- Xin cám ơn ông 



Khánh Hòa (thực hiện)


                       Đại lễ 1000 năm, bạn muốn đăng trên VTC News: 

              - Những lời ngẫu hứng, tự sự, tâm sự... của chính bạn?

                - Những bức ảnh, đoạn video... chỉ mình bạn ghi được?
                                                        
                       - Tin tức, bài viết xoay quanh sự kiện Đại lễ?

                                                            
Hãy gửi đến email
[email protected] 
                                                                        hoặc
[email protected]

Tất cả thông tin bạn gửi sẽ được Ban Biên tập VTC News tiếp nhận, xử lý để đăng tải. Trân trọng!

Bình luận
vtcnews.vn