Nổi da gà gánh hàng ăn bên cạnh... nhà vệ sinh

Kinh tếThứ Sáu, 06/08/2010 06:02:00 +07:00

(VTC News) - Ruồi nhặng bâu đen trên những giỏ thức ăn, người bán, người ăn chen chúc ngay trước cửa nhà vệ sinh tạo nên một cảnh tượng rùng mình...

(VTC News) - Ruồi nhặng bâu đen trên những giỏ thức ăn, người bán, người mua chen chúc ngay trước cửa nhà vệ sinh khu chợ tạo nên một cảnh tượng rùng mình... không khỏi khiến nhiều người sởn gai ốc.

Chỉ còn gần 2 tháng nữa đến Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, các cơ quan chức năng đang nỗ lực tạo nên một Hà Nội xanh, sạch, đẹp, văn minh, lịch sự xứng danh thủ đô ngàn năm văn hiến. Tuy nhiên, tại các khu chợ, xung quanh các nhà vệ sinh, hàng quán vẫn mọc lên la liệt gây phản cảm cho khách du lịch nước ngoài và khiến nhiều NTD "nổi da gà" vì sự mất vệ sinh của nó.

16h30 tại chợ Đồng Xuân (Hoàn Kiếm, Hà Nội), quán bún phở nằm cạnh nhà vệ sinh vẫn đông đúc. Người  ăn chen chúc nhau trên chiếc ghế dài. Chị chủ quán thoăn thoắt phục vụ đồ ăn, thức uống cho khách. Trong khi đó, nhà vệ sinh sát bên cạnh vẫn tấp nập người ra vào. Thậm chí, nhiều người đang ăn, tranh thủ đứng lên, đi vào nhà vệ sinh “giải quyết nỗi buồn” sau đó quay lại bàn ăn phía ngoài tiếp tục cuộc vui.

 Bát đĩa bày ngổn ngang cùng những thùng nước rửa bát cáu bẩn ngay cạnh nhà vệ sinh.

Những thùng nước rửa bát đĩa cáu bẳn được chủ quán tận dụng tới mức tối đa. Ngay cạnh đó là đống rác bốc mùi hôi thối "hiên ngang" nằm trước mắt người qua lại.

Phía bên này nhà vệ sinh là một “không gian” khác với chè đá, bánh trôi, bánh chay và những quẩy hàng hoa quả. Đầu giờ trưa hoặc cuối giờ chiều, khá đông người dân tụ họp tại đây ăn uống. Việc có hay không có nhà vệ sinh, với họ lúc đó dường như chẳng còn quan trọng.

Người bán, người mua vẫn tấp nập mua sắm bất chấp biển đề "WC" ngay trên đầu.

“Biết là ăn ở đây không được vệ sinh nhưng tiện đâu ăn đó, ăn cho nhanh, cho chóng để giải quyết nhu cầu thôi” – chị Phùng Ngọc Lan, một khách hàng đang ăn chè cho biết. Trong khi đó, người phụ nữ chừng 40 tuổi - chủ nhân của gánh chè cùng vài ba cái cốc nhỏ, dăm chiếc ghế con, hồ hởi cho biết, mặc dù chỉ dọn hàng từ tầm 3 – 4 giờ chiều nhưng bình quân mỗi buổi, chị bán được 2 – 3 nồi chè.

 Việc có hay không có nhà vệ sinh, với nhiều thực khách bình dân dường như điều đó chẳng còn là quan trọng.

Giá một cốc chè đỗ đen tại gánh hàng này rẻ hơn nhiều so với các cửa hàng hay quán cóc vỉa hè khác (5.000 đồng/cốc), chính vì thế đã thu hút được số khách hàng bình dân đông đáng kể. Mới nhìn qua nồi chè cùng bát thạch đen không được che chắn bằng bất kỳ phương tiện nào, nhiều người không khỏi ái ngại nhưng rồi cũng "tặc lưỡi" cho qua.

 Nồi chè không đậy nắp, thạch đen ruồi muỗi bu đầy, biết bẩn nhưng nhiều khách hàng vẫn tặc lưỡi bỏ qua

Cũng có người sau khi gọi một cốc chè và lấy ghế ngồi “xổm” yên vị mới phát hiện dòng chữ “WC” trên đầu, còn dưới chân phấp phới bay vài ba tờ giấy vệ sinh, đã vội vàng đứng lên trả tiền đi mất.

Những gánh hàng bánh chay, bánh giày, bánh mì, cóc, xoài, ổi... nở rộ ngay sát nhà vệ sinh.

Không chỉ sôi nổi phía ngoài cổng, bên trong khu chợ, đối diện nhà vệ sinh công cộng cũng đầy rẫy những  hàng  thực phẩm khô, đồ ăn nhanh được bày bán... vô tư, rộng rãi.

Trao đổi với phóng viên VTC News, ông Nguyễn Văn Hùng, đội bảo vệ khu chợ Đồng Xuân cho biết: "Việc kinh doanh gần nhà vệ sinh đã có qui định rõ ràng của nhà nước. Theo đó, cấm tuyệt đối bán đồ ăn, thức uống bày bán xung quanh địa điểm này. Những người hoạt động dịch vụ vệ sinh chỉ được phép bán những đồ dùng liên quan như giấy vệ sinh hoặc một số mặt hàng khác như bút mực, áo mưa…".

 Hàng khô (tôm, cá, mực...) vẫn "nhởn nhơ" bày bán trước cửa nhà vệ sinh.

Tuy nhiên, qua khảo sát của phóng viên, phía trên tủ kính của nhân viên trông coi nhà vệ sinh vẫn đặt mấy chai nước Lavie cỡ lớn. Đem thắc mắc này hỏi ông Hùng, ông trả lời thẳng thắn: "Theo nguyên tắc là cấm bán nước, vì vậy, khi phát hiện ra sai phạm sẽ lập biên bản, yêu cầu bộ phận quản lý xử lý nhân viên đó".

Không chỉ chợ Đồng Xuân, chợ đầu mối lớn nhất Hà Nội, mà những chợ khác cũng bắt gặp những tình trạng tương tự.


Tại chợ Nhà Xanh (Cầu Giấy, HN), những túi nước giải khát như chanh leo, nước cam, nước mía, nước dừa... được buộc thắt lại, đựng trong một chiếc rổ nhựa cáu bẩn rồi kê chênh vênh trên miếng xốp nham nhở. Người bán hàng vẫn "hiên ngang" bày bán trước cửa nhà vệ sinh mặc sự kiểm tra thường xuyên của an ninh chợ.
 
Chị Thu bán nước tại chợ Nhà Xanh cho biết, những ngày đông khách, chị bán được khoảng 50 túi, mỗi túi có giá 4.000 đồng. Chị lựa chọn công việc này bởi nó linh động, thoải mái về thời gian, thích làm lúc nào thì làm, lúc rảnh rỗi thì lại nghỉ ngơi. Trung bình mỗi tháng, trừ đi tiền nộp "thuế" chỗ ngồi 600 nghìn đồng/tháng chị vẫn dành dụm lo toan cho cuộc sống gia đình được 2 - 3 triệu đồng.

 Mỗi ngày những người bán nước trước cổng nhà vệ sinh tại chợ Xanh có thể bán được 50 túi với giá "ưu đãi" 4.000 đồng/túi

Cách đó không xa, những xe chở đẩy xúc xích bóng mỡ, quay giòn được treo trên cao ở vị trí bắt mắt nhất. Một số mẹt hoa quả dầm gia vị, ớt rắc lòe loẹt được “trưng bày” trần trụi, không hề che đậy, mặc cho gió cuốn, bụi bay mù mịt.

Chị Nguyễn Thị Huệ, người bán hàng rong đang ngồi phệt dưới nền đất đối diện nhà vệ sinh, vui vẻ cho biết: Với giá "khuyến mại" 10.000 đồng/5 lạng hoa quả dầm, những ngày đông khách, chị cũng bán được hơn 20kg. Đặc biệt, vào khoảng 4 - 5 giờ chiều là giờ tan tầm, sinh viên đi chợ nhiều, hàng bán rất "chạy".

Còn đối với những ngày mưa to, gió lớn, vắng khách, không khí mua bán có phần hẩm hiu hơn, số lượng cũng giảm đáng kể, chỉ bán được gần chục cân. Việc buôn bán cạnh nhà vệ sinh có phần hạn chế hơn những địa điểm sạch sẽ khác, tuy nhiên với số tiền lãi 5.000 đồng/kg, trung bình mỗi ngày chị cũng kiếm được khoảng 100 nghìn đồng, đủ trang trải cho cuộc sống vất vả, bon chen giữa chốn thị thành.

Hỏi chị Huệ rằng tại sao lại không chọn chỗ khác mà lại chọn chỗ bẩn thỉu nhất để ngồi bán hàng, chị đưa tay lên khỏa ruồi nói thẳng thừng: “Có chỗ đứng là tốt lắm rồi. Ở đây 1 mét đất một mét tiền, làm gì có quyền chọn lựa. Vả lại, ở đây bán cho sinh viên là chính, miễn sao rẻ là được, còn vệ sinh thì... ai mà kiểm soát được là sạch hay bẩn”.

Để thấy được không khí nhộn nhịp của hàng quán ngay cạnh nhà vệ sinh, VTC News mời độc giả xem clip dưới đây:
 

 


Bài, ảnh: Tiểu Phương

Bạn có nhận xét gì về tình trạng hàng quán rong tại Thủ đô Hà Nội, hay có những chia sẻ về hình ảnh mất an toàn VSTP. Hãy gửi cho chúng tôi vào ô thảo luận phía cuối bài viết hoặc qua hòm thư [email protected]. Trân trọng cám ơn!

Bình luận
vtcnews.vn