"Sốt" ôsin bệnh viện: Lương cao, nhan nhản "cò"

Kinh tếThứ Năm, 22/07/2010 01:30:00 +07:00

(VTC News) - Thời gian gần đây, dịch vụ “chăm sóc đặc biệt” mà người dân gọi nôm na là “ôsin bệnh viên” đắt hàng chưa từng thấy, giá 150 - 250 nghìn/ngày.

(VTC News) - Thời gian gần đây, dịch vụ “chăm sóc đặc biệt” mà người dân gọi nôm na là “ôsin bệnh viên” đắt hàng chưa từng thấy, giá 150 - 250 nghìn/ngày. Dễ dàng nhận ra những ôsin bệnh viện thường tập trung thành nhóm ngoài cổng các bệnh viện lớn với chiếc nón đội lụp xụp hoặc chiếc ba lô, túi xách lỉnh kỉnh mang theo bên người, lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng lên xe của gia chủ để vào viện chăm nom bệnh nhân...

150 - 250 nghìn đồng/ngày

Nhiều gia đình không thể sắp xếp được công việc để chăm sóc cho người thân đang nhập viện đã “gõ cửa” các dịch vụ chăm nom người ốm tại các... cổng bệnh viện. Chính vì vậy, thời gian gần đây, dịch vụ “chăm sóc đặc biệt” mà người dân gọi nôm na là “ôsin bệnh viên” đắt hàng chưa từng thấy. Giá trông nom bệnh nhân được hét lên chóng mặt, luôn daođộng trong khoảng 150 - 250 nghìn đồng/ngày. Như vậy, nếu "ôsin bệnh viện" làm liên tục trong vòng một tháng thì thu nhập của họ tính sơ sơ chừng chừng 4,5 - 7,5 triệu đồng/tháng, có thể xem là "ôsin cao cấp" vì lương gấp nhiều lần ôsin bình thường giúp việc trong gia đình. 

 Cảnh ngồi đợi khách ngổn ngang tại cổng bệnh viện của các ôsin.

Mới tờ mờ sáng, ngoài cổng bệnh viện Hữu Nghị (số 1 Trần Khánh Dư, HN)đã tập trung rất đông phụ nữ thôn quê đến đây tìm việc trông người ốm.

Dễ dàng nhận ra họ với chiếc nón đội lụp xụp hoặc chiếc ba lô, túi xách lỉnh kỉnh mang theo bên người, lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng lên xe của gia chủ để vào bệnh viện chăm nom người ốm.

Chị Vũ Thu Thủy (quê ở

Nam
Định), một người bán bánh mì bên lề đường bệnh viện Hữu Nghịcho biết: “Trước đây thì họa  lắm mới thấy một, hai người phe phẩy quạt đứng chờ. Bây giờ, dịch vụ này “nở rộ”, có những khi, ở đây tập trung tới 30 người đến tìm việc. Lâu dần, nó trở thành một "dịch vụ" không thể thiếu trong cuộc sống thường nhật”.

Trong vai một người nhà đi tìm ôsin chăm nuôi cho người thân đang nằm viện, tôi tiến lại gần một người phụ nữ có khuôn mặt  xương gầy đang đứng tựa lưng vào chiếc cổng sắt. Vừa lân la hỏi chuyện đôi ba câu, chị đã ra giá: “Bình thường 150 - 160 nghìn đồng/ngày, bệnh nặng thì 200 nghìn đồng/ngày”.

Chị này cho biết, vẫn thường xuyên làm ôsin ở Bệnh viện Xanh–pôn, bữa nay hết việc nên xuống dưới này để chờ. Thông thường, những người cần việc thường đến những bệnh viện lớn để ngồi đợi, ai có nhu cầu thì thuê. Có hôm 2 - 3 ngày mới có người đến đón đi làm, nhưng cũng có hôm 4 - 5 người đến hỏi cùng một lúc.

Tới Bệnh viện Việt Đức, vừa trông thấy tôi vẫy tay, liền lúc có tới 4 - 5 người xô nhau tiến lại gần mời gọi. Nhắm một chị trong dáng nhanh nhẹn, ăn mặc sạch sẽ, tôi đi thẳng vào vấn đề cần thuê ôsin chăm sóc bệnh nhân. Như thuộc lòng bảng giá cả, người phụ nữ hơn 30 tuổi xưng tên Hoài nhanh nhảu: “Bình thường còn tỉnh táo chị chăm 180 nghìn đồng/ngày, bệnh nặng như ăn bằng ống dẫn thì 250 nghìn đồng”.

Khi hỏi dịch vụ tương đương số tiền kia, chị Hoài trả lời: Về lý thì với giá đó, tiền ăn, tiền xe cộ đi lại, ôsin sẽ phải tự lo. Tuy nhiên, người nhà bệnh nhân tốt thì có thể “khuyến mãi” một bữa ăn hoặc mua cho mấy manh quần áo mặc. Như vừa chợt nhớ ra, chị Hoài còn bổ sung thêm: Người nhà phải trang bị cho ôsin một cái ghế dài (khoảng 160 nghìn đồng), một cái gối để tối đến trải chiếu nằm bên cạnh giường bệnh nhân.

Sau một hồi kì kèo giá cả, chị Hoài gật đầu đồng ý bớt xuống còn 150.000 đồng/ngày nhưng với điều kiện người nhà phải lo ăn uống 2 bữa cho chị.

“Nếu đồng ý thì sáng mai tới đây, chở chị tới bệnh viện luôn”,  chị Hoài sốt sắng giục.

Nhan nhản “cò” kiếm ăn

Không chỉ đáp ứng nhu cầu của người ở tại bệnh viện, rất nhiều thân nhân người bệnh ở các bệnh viện khác cũng tìm đến bệnh viện Hữu Nghị, 108, Xanh–pôn để tìm sự trợ giúp từ đội ngũ ôsin bệnh viện.  Những địa điểm này giờ đây được coi là “chợ” người lao động, tập trung đông nhất các ôsin tỏa đi khắp các bệnh viện như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K, Bệnh viện châm cứu Trung ương... Cũng từ đó, các loại “cò” cũng ra sức “kiếm ăn”.

Vừa thu phí vệ sinh tại Hữu Nghị, cô Chi kiêm luôn việc môi giới ôsin bệnh viện: "Bất kể lúc nào cũng được, cứ gọi là có người đến".

Tại bệnh viện Hữu Nghị, nhiều người đã quá quen thuộc với sự "hỗ trợ” của “cô Chi” (SĐT: 09849xxx2402), người thu phí vệ sinh đã dắt mối thành công nhiều “phi vụ làm ăn đắt đỏ”.

“Bất kể lúc nào cũng được… Cứ gọi là có người đến…

Nam
cũng có, nữ cũng có, nhiều tuổi, ít tuổi, trẻ già đều có hết”, người phụ nữ này khẳng định chắc nịch.

"Cô Chi" cho biết sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của người nhà bệnh nhân, cần người như thế nào, độ tuổi ra sao, thậm chí chiều cao bao nhiêu, cô đều có thể cung cấp. Cô kể: “Thông thường, cứ hết việc họ (các ôsin bệnh viện - pv) lại về đây. Họ đưa số điện thoại cho cô, có mối, cô lại gọi họ đi, ở đây được thì tốt, không thì lại tỏa đi các bệnh viện khác”.

“Tôi đưa là đưa người làm được việc, nếu chưa thức được đêm, chưa biết truyền đến khi nào dứt, chưa biết cách gọi bác sĩ, không biết cách cho uống thuốc thì tôi không giới thiệu đâu… Tôi sẽ đưa cho cháu người khỏe mạnh, cách thức nhanh nhảu như một người mẹ”, người này hứa hẹn, đồng thời cũng cam kết: “Họ có sai sót gì, cô cứ đến đây trao đổi với tôi”.

Với việc đưa ra giá cả (160 – 170 nghìn đồng/ngày) và các ưu điểm của người trông nom bệnh nhân, "cô Chi" cố gắng thuyết phục khách sử dụng ôsin của mình. Khách không phải trả bất kỳ một đồng tiền công nào. Nếu “chỉ trỏ”, dắt mối êm thuận, lo liệu xong xuôi, “cò” sẽ được gia chủ trả tiền công “đôi chút” mà theo "cô Chi" gọi thì là tiền điện thoại, tiền uống nước.

Một loại “cò” khác phổ biến chuyên giao dịch mai mối ôsin bệnh viện còn là mấy anh xe ôm và mấy bà bán nước ven đường ngay sát cạnh cổng bệnh viện.

Chập tối ngày 14/7, tại Bệnh viện Quân đội 108 (Số 1 Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, HN), một anh xe ôm có tên Sơn “gạ gẫm” khi tôi ngỏ lời muốn thuê người giúp việc cho ông cụ ốm yếu đang nằm viện.

“Mai anh sẽ dẫn họ ra đây, em thích thì bảo được, nếu không được thì thôi… Nhiều lắm, cả nam cả nữ đều có. Tất cả những người trong này anh quen nhiều lắm”, anh Sơn hồ hởi.

Về giá cả, anh Sơn cho biết, theo mặt bằng giá chung “trước đó là 130 nghìn, giờ lên 150 nghìn đồng/ngày”. Khi tôi kêu đắt, anh nhẹ giọng: “Nếu trông lâu, trông dài hạn thì rẻ hơn” và “đó là giá anh tạm đưa ra như thế thôi, còn cụ thể như thế nào thì do em mặc cả”. 

Theo anh Sơn thì phần lớn những người giúp việc này khi không có việc sẽ về quê nghỉ ngơi, và nếu có khách gọi thì sẽ tức tốc lên ngay. Để thấy được sự khác biệt khi thuê ôsin bệnh viện, anh Sơn làm phép so sánh: “Mình cả đời mới chăm một lần còn người ta làm chuyên nghiệp rồi, đang đêm người ta cũng làm được. Mình băng bó một vết thương, rửa rất khó chịu nhưng người ta làm quen sẽ rất nhanh, rất sạch, rất gọn. Họ làm lâu năm, chứ không phải mới làm đâu”.

Tấp nập, đông đúc, rôm rả nhất có lẽ vẫn là các quán hàng nước. Các bà bán nước nơi cửa bệnh viện luôn luôn là người “lắng nghe và thấu hiểu” những tâm tư, nguyện vọng từ cả hai phía, người nhà bệnh nhân và ôsin bệnh viện.

Gọi một cốc trà đá và tỉ tê với bà bán nước tên Nga ở cửa ra vào bệnh viện đa khoa Xanh-pôn thì được biết bà là người chuyên đi “môi giới”. Chỉ tay bảo đứa con sang bên kia tìm người giúp việc, chỉ sau 5 phút, một người phụ nữ có khuôn mặt xinh xắn đã ngồi trước mặt tôi. Chị là một người bán báo ngay cửa bệnh viện, cứ mong có người nào trong bệnh viện cần giúp thì sẽ chăm nom. Tuy nhiên, khi biết bệnh viện của khách hàng có nhu cầu ở quá xa, chị xua tay từ chối.

Không dừng lại ở đó, bà Nga tiếp tục “huy động” thêm một đội quân 2, 3 người nữa để khách lựa chọn. Bà cho biết “trông dài hạn thì giá khác, ngắn ngày thì giá khác”… 150 nghìn/ngày là giá chung cho một ôsin nếu gia đình lo ăn uống, còn 200 nghìn/ngày thì ôsin tự túc từ A đến Z.

“Có cần ngay không, cô gọi người là nó đi ngay”, vừa nói xong, bà Nga giao quán nước cho đứa con, và lấy xe máy đi tìm người, sau vòng 7 phút thì quay trở lại với một người phụ nữ khác tay xách ba lô sẵn sàng lên xe về bệnh viện chăm người ốm.

Còn tiếp...


Bài, ảnh: Tiểu Phương

Nhiều bác sĩ chuyên khoa cho rằng ô sin từ các vùng quê đổ về các bệnh viện đang thành một vấn nạn cần xóa bỏ, còn ý kiến của bạn ra sao? Liệu thuê một người lạ thạo nghề về trợ giúp bệnh nhân đang nằm viện có phải là liệu pháp tốt của nhiều gia đình? Hãy chia sẻ suy nghĩ của bạn ô phản hồi cuối bài. Trân trọng cảm ơn!

Bình luận
vtcnews.vn