Thịt, trứng, sữa Trung Quốc thừa... chất kháng sinh

Tổng hợpThứ Ba, 13/04/2010 06:35:00 +07:00

(VTC News) - Nhiều sản phẩm thịt, trứng, sữa bán trên thị trường Trung Quốc tồn dư một lượng lớn chất kháng sinh do người chăn nuôi dùng thuốc vô tội vạ.

(VTC News) - Nhiều sản phẩm thịt, trứng, sữa đang được bán trên thị trường Trung Quốc có chứa một lượng tồn dư thuốc kháng sinh, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng. Điều này xuất phát từ việc dùng thuốc kháng sinh vô tội vạ của ngươì chăn nuôi và công tác kiểm tra còn bị bỏ ngỏ của các cơ quan chức năng.

Dùng thuốc kháng sinh…  vô tội vạ


Ông Luojia, một nông dân ở huyện Fufeng - tỉnh Thiểm Tây nói: "Gia cầm có thể bị bệnh đường ruột. Trong trường hợp đó, sẽ ảnh hưởng đến việc đẻ trứng. Để khắc phục, chúng ta có thể trộn  kháng sinh erythromycin hoặc terramycin vào nước để gia cầm uống”.


Còn viêm vú hoặc sốt là bệnh phổ biến với bò sữa. Để chữa căn bệnh này, nhiều hộ nông dân cũng “cậy nhờ” kháng sinh để chữa trị, giúp bò duy trì nguồn cung cấp sữa.


Anh Xu Yifeng trong làng  Xuzhuang - tỉnh Thiểm Tây cho biết: Anh đã mua 10 hộp  thuốc penicillin để chữa trị cho 14 con bò.

Người đàn ông này chia sẻ thêm: “Chúng tôi phải báo cáo việc tiêm penicillin tới trạm thu mua sữa và không được phép bán sữa  trong vòng 3 ngày, sau khi chúng được tiêm loại thuốc này”.


Tuy nhiên, một số nông dân đã sử dụng không đúng cách hoặc thậm chí lạm dụng thuốc kháng sinh, dẫn đến dư lượng chất độc hại quá nhiều trong sữa, trứng và thịt được bán trên thị trường. Hiện tượng này không phải là hiếm ở tỉnh Thiểm Tây, nơi mà chăn nuôi đóng góp 30,1% giá trị tổng sản lượng kinh tế của tỉnh trong năm 2008.

 (Ảnh minh hoạ)

Các hộ nông dân thích sử dụng thuốc Tây đặc biệt là thuốc kháng sinh. Ngoài ra, nhiều người còn chú ý tới cả  thuốc Đông Y. Mặc dù, thuốc Đông Y không để lại dư lượng kháng sinh, nhưng vấn để nảy sinh khiến nhiều hộ không mấy quan tâm đến nó là thuốc cổ truyền không có hiệu quả nhanh bằng thuốc Tây, làm kéo dài thời gian chữa trị.


Ông Vương Tĩnh Vũ, hiệu trưởng của trường Đại học Thú y - Nông nghiệp và Lâm nghiệp Tây Bắc Trung Quốc cho tờ thời báo Toàn Cầu biết "Một số nông dân sử dụng thuốc kháng sinh, đã  gây ra tình trạng dư lượng kháng sinh quá mức cho phép trong các sản phẩm chăn nuôi".


Còn ông Luo Ruifeng huyện Fufeng - tỉnh Thiểm Tây cho biết: Ông đã mất 3.000 con gà với tổng thiệt hại 30.000 nhân dân tệ (tương đương hơn 81 triệu đồng) trong tháng 1/2009 do dịch bệnh.


Trước tình trạng đó, để ngăn chặn dịch bệnh gây chết đối với vật nuôi, các hộ nông dân đã pha trộn một lượng lớn thuốc kháng sinh trong thức ăn. Một nguyên nhân khác nữa là các bác sĩ thú y địa phương đôi khi không đưa ra những chẩn đoán chính xác về bệnh của vật nuôi. Nên nhiều nông dân đã tự mình dùng thuốc không theo quy định.


Vì không có chuyên môn, việc lạm dụng thuốc đã dẫn tới tình trạng bệnh nặng hơn và vật nuôi ngày càng phụ thuộc vào thuốc kháng sinh. Xuất phát từ nguyên nhân đó, nhiều sản phẩm chứa dư lượng kháng sinh có mặt trên thị trường là nguy cơ tiềm ẩn cho sức khoẻ người tiêu dùng.


Bên cạnh việc phòng và chữa bệnh, thuốc kháng sinh cũng có thể được sử dụng để tăng cường sức đề kháng của vật nuôi và kích thích tiết ra hóc-môn tăng trưởng giúp đẩy nhanh quá trình phát triển của cơ thể.


Một số nông dân thêm thuốc kháng sinh với liều lượng thấp vào thức ăn để tăng lợi nhuận, mà bất chấp những nguy hiểm có thể gây ra đối với sức khỏe người tiêu dùng.

Việc kiểm tra vẫn bị bỏ ngỏ

Việc sử dụng thuốc kháng sinh để ngăn ngừa bệnh tật hoặc kích thích tăng trưởng trong thời gian dài sẽ gây nên tình trạng dư lượng thuốc tích tụ bên trong thực phẩm.


Dư lượng thuốc bên trong thịt, trứng, sữa sẽ tồn tại trong cơ thể người khi khách hàng sử dụng chúng, sau đó sẽ gây những bệnh lý khôn lường.


Trong một lò mổ ở thành phố Xinping (tỉnh Thiểm Tây), ông Ren Peng là nhân viên chi cục thanh tra - kiểm dịch Thiểm Tây cho biết "Tôi hy vọng các thiết bị phát hiện dư lượng kháng sinh có thể được sử dụng rộng rãi, để đảm bảo sự an toàn của sản phẩm trên thị trường”.


Ông nói thêm: Tuy nhiên, có những khó khăn trong việc hạn chế việc dùng thuốc kháng sinh của người chăn nuôi.

(Ảnh minh hoạ) 


Hiện nay, vẫn chưa có một quy định thống nhất về chất lượng giữa các công ty sữa. Một số từ chối thu mua sữa trong vòng 3 ngày sau khi tiêm kháng sinh, nhưng cũng có doanh nghiệp vẫn thu mua trong thời gian đó để sản xuất sữa nguyên chất hoặc sữa bột. Mặc dù, việc làm đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ con người.


Việc kiểm tra về dư lượng thuốc trừ sâu trong rau đã được triển khai trên toàn bộ các tỉnh, thành của Trung Quốc. Nhưng việc kiểm nghiệm dư lượng thuốc thú ý trong thực phẩm vẫn chưa được tiến hành, do chi phí cao và tốn thời gian. Để tiến hành kiểm tra một mẫu thịt mất tới 4 ngày và chi phí tiêu tốn tới 1.000 nhân dân tệ (tương đương khoảng hơn 2,7 triệu đồng).


Thành Công(theo các báo Trung Quôc)

Bình luận
vtcnews.vn