EURO còn 4 ngày: Đừng trách Roy Hodgson

Tổng hợpThứ Hai, 04/06/2012 02:34:00 +07:00

(VTC News) – Không hề thiếu ngôi sao nhưng thành tích mà ĐT Anh giành được trong khoảng chục năm trở lại đây lại vô cùng hạn chế so với những gì họ sở hữu

(VTC News) – Không thua kém bất cứ một thế lực nào trên thế giới về số lượng ngôi sao nhưng thành tích mà ĐT Anh giành được trong khoảng chục năm trở lại đây lại vô cùng hạn chế so với những gì họ sở hữu.


Thiếu công thức thành công

Cứ sau mỗi một chiến dịch thất bại là báo giới và các nhà phân tích cũng như bản thân các cầu thủ Tam Sư lại tha hồ mổ xẻ thất bại. Có quá nhiều nguyên nhân đã được đưa ra: từ lịch thi đấu dày đặc của Premier League, hay những chấn thương của các trụ cột, và thậm chí là cả vấn nạn WAGs. Tuy nhiên có cảm tưởng họ rút kinh nghiệm chỉ là để rút kinh nghiệm, bởi cứ sau 2 năm, bằng ấy sai lầm vẫn được lặp lại mà chẳng ai hiểu vì sao.

Họ tài năng nhưng lại là hiện thân của thất bại 
Điển hình cho những lần thất bại ấy chính là kỳ World Cup 2006 trên đất Đức. Được đánh giá là ứng cử viên số hai cho chiếc cúp vàng (chỉ đứng sau ĐKVĐ Brazil) với dàn sao thượng thặng đang ở độ chín trải đều ở ba tuyến: David Beckham, Wayne Rooney, Frank Lampard, Steven Gerrard, Rio Ferdinand, John Terry, Ashley Cole… nhưng đảo quốc sương mù lại phải khóc hận trước Bồ Đào Nha, đội đã mất khá nhiều trụ cột do bị treo giò. 

Nhận xét về ĐT Anh khi đó, Jose Mourinho chỉ ra hai lý do: Thứ nhất, người Anh không có một thủ môn giỏi. Paul Robinson quá nghiệp dư ở những giải đấu lớn. Và thứ hai, đội bóng áo trắng chưa bao giờ sở hữu một sát thủ đúng nghĩa. Dù Rooney là một tiền đạo có tài nhưng Gã Shrek lại quá trẻ con mỗi khi đất nước cần anh.

Có lẽ khi bình luận như vậy, Người đặc biệt đã cố tình làm giảm nỗi đau của xứ sở sương mù. Một quốc gia đã chịu xuống nước thuê huấn luyện viên nước ngoài (Sven Goran Eriksson, Fabio Capello) và sở hữu hàng tá ngôi sao thì không bao giờ có thể chấp nhận nổi những lý do thuộc về chuyên môn được.

Nhưng sự thật lại không hoàn toàn như vậy. Nhìn sang Tây Ban Nha, Đức và Italia, những đội tuyển đã thu được thành công lớn trên đấu trường quốc tế những năm qua, thấy tựu chung lại một điều, họ đều có một đội tuyển thu nhỏ ở đấu trường quốc nội. Barcelona, Bayern Munich và phần nào đó là Juventus những năm trước không chỉ cung cấp trục xương sống cho ĐTQG, mà lối chơi của các CLB này cũng được các HLV ở đội tuyển áp dụng một cách có chọn lọc.

Hẳn sẽ có ý kiến cho rằng ĐT Anh chẳng phải cũng chịu ảnh hưởng của MU đó sao? Từ số lượng cầu thủ lên tuyển cho tới lối đá biên với hai cầu thủ chạy cánh nhô cao. Tuy nhiên có hai điều phải xem lại. Một là, MU không có tiền vệ nào giữ vai trò điều tiết lối chơi khi lên tuyển. Và hai là, sức bùng nổ của MU đến từ hai biên nhưng ngoại trừ Ashley Young, các cầu thủ chạy cánh còn lại đều là người nước ngoài.

Bàn tay của Roy Hodgson

Chịu ít áp lực thành công nhất so với các đời HLV trước nhưng như thế không có nghĩa là Roy Hodgson được quyền an phận ở kỳ Euro lần này. Câu chuyện thần kỳ mà Chelsea viết ở Champions League vừa rồi vẫn còn nóng hổi và cựu thuyền trưởng của Liverpool hẳn vẫn muốn viết thêm một thần thoại nữa.

Những lý do mà Mourinho từng mách nước giờ đã được giải quyết một cách khá triệt để. Joe Hart đang từng bước trở thành một David Seaman mới, còn Wayne Rooney đã mang bóng hình của một người đàn ông thực thụ.

Vậy thì vấn đề chỉ còn là tìm ra công thức thành công cho Tam Sư nữa mà thôi?

ĐT Anh hiện tại cần những dòng máu mới 

MU là một thương hiệu lớn. Và hiện tại cùng với Man City, Quỷ đỏ vẫn đang thống trị giải Ngoại hạng. Nhưng cũng giống như hình bóng của Raul Gonzalez ở Tây Ban Nha trước đây, nó là biểu hiện cho sự thất bại. 

Để vượt lên được chính mình, bạn cần dũng cảm gạt bỏ những rào cản không cần thiết. Luis Aragonés đã từng ném Raul lên ghế dự bị để đưa “hổ giấy” ngày nào trở thành số một thế giới. Hay Joachim Loew cũng chẳng ngại ngần tạm biệt Ballack để duy trì sự ổn định mà Lahm và Schweinsteiger đang tạo ra.

Những Rio Ferdinand, Michael Carrick đẳng cấp và tài năng nhưng điều đó chỉ có nghĩa là nếu chọn họ thay thế Gary Cahill, Frank Lampard thì mức rủi ro gặp phải sẽ ít hơn; chứ không có nghĩa là mang lại sự hiệu quả nhất. 

Martin Kelly cũng như Jordan Henderson ít tiếng tăm hơn nhưng điều quan trọng là Roy Hodgson đã từng làm việc cùng họ. Ông biết rõ những cậu học trò cũ có thể làm được gì và đi xa đến đâu. 

Người ta chỉ lăn tăn khi phải thay thế một thứ đang tốt đẹp. Còn với thương hiệu “MU trong lòng tuyển Anh”, mọi thứ giờ chỉ còn được nhớ bằng những cái lắc đầu kèm theo vài tiếng thở dài ngao ngán.

Thời thế tạo nên anh hùng. Và biết đâu giữa lúc nghìn trùng gian khó này, những cánh chim lạ Liverpool lại mang tới một hơi thở mới thì sao?

Quân Hào

Bình luận
vtcnews.vn