Câu chuyện về ngày nhà giáo Việt Nam 20/11

Tổng hợpThứ Hai, 22/11/2010 03:23:00 +07:00

Chưa bao giờ ở VN những cuộc thảo luận về giáo dục lại sôi nổi và rộng khắp như hiện nay.

Câu chuyện về ngày nhà giáo Việt Nam 20/11

 

Câu chuyện về ngày 20/11 có thể trôi đi giữa hàng loạt những thông tin về lũ lụt, về những chuyến viếng thăm, về những phát biểu này kia từ các đại biểu quốc hội, các nguyên thủ quốc gia, các chính khách… trong tháng 11 năm nay. Tháng ghi nhận một bước bứt phá ngoạn mục quảng bá hình ảnh Việt Nam trong diễn đàn APEC và nâng vị thế của “ngôi sao mới nổi” đang tỏa ánh sáng riêng trên bầu trời quốc tế.

Và, trên ý nghĩa ấy, ngày nhà giáo Việt Nam năm nay lại có thêm sắc thái mới, nguồn lực mới. Chưa bao giờ ở VN những cuộc thảo luận về giáo dục lại sôi nổi và rộng khắp như hiện nay. Đó không phải là do ý muốn của riêng Bộ GD-ĐT, mà do chính yêu cầu của cuộc sống. Việt Nam đã gia nhập WTO, nền kinh tế Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn kinh tế thị trường. Vấn đề này không còn phải bàn cãi nữa. Nhưng giáo dục trong xã hội chuyển sang kinh tế thị trường, rộng hơn là trong bối cảnh toàn cầu hóa đang đặt ra nhiều vấn đề tranh cãi gay gắt…

Có thể nói, nền giáo dục của một đất nước là một “ngôi nhà lớn”. Nền giáo dục của đất nước ta hiện đang đi về đâu là một câu hỏi có từ rất lâu rồi. Cảm giác chung là ai cũng thấy, dù đã có nhiều cố gắng nhưng “ngôi nhà” đó vẫn xộc xệch, chắp vá. Cũng từ lâu chúng ta chờ đợi làm cách nào để có một “ngôi nhà” giáo dục đẹp về hình thức, tốt về chất lượng? Thế nhưng, cho đến nay câu trả lời vẫn còn lơ lửng.

Để bàn đến những giải pháp, cách làm này nọ đã có biết bao bài viết lớn nhỏ, những góp ý tâm huyết, những diễn đàn sôi động với sự tham gia của rất nhiều trí thức, các nhà quản lý, giới truyền thông cả trong và ngoài nước. Vốn là kẻ ngoại đạo, lại nhân lúc trà dư tửu hậu, tôi chỉ xin được kể vài mẩu chuyện cóp nhặt trên đường công tác như một minh chứng cho nhận xét của ai đó rằng: “Những tình cảm trong sáng kết tụ trong ánh lửa của trí tuệ và tình người đã hun đúc nên cái đạo làm người vốn là nét rất đẹp của truyền thống văn hóa dân tộc khiến cho người thầy và nghề thầy giữ một vị trí đặc biệt trong đời sống tinh thần của nhân dân ta. Đó chính là điểm tựa để phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo.”

Trên đường từ Mèo Vạc về Đồng Văn qua Cổng Trời vào một buổi chiều mù sương mà ánh nắng chỉ còn vẽ nên một đường viền mờ nhạt bên sườn núi, tôi bất chợt gặp bầy trẻ con líu ríu ngồi sưởi bên ngọn lửa được nhóm lên từ những đống lá khô và cành củi nhỏ.

Dừng xe hỏi chuyện, biết các cháu là học trò lớp ba, lớp bốn. Buổi sáng đi học còn buổi chiều chăn bò. Đợi cho bò gặm nốt ít cỏ trước khi lùa về, các cháu gom củi để sưởi ấm.           

-       Nó học giỏi nhất ở đây đấy, mình nó lớp bốn thôi”, chỉ vào một bé gái trùm chiếc khăn xanh đã bạc màu, bé trai đội chiếc mũ nồi đen lỗ chỗ mấy lỗ thủng vừa cười vừa nói.

-       Thế chừng nào mới lùa bò về, nhà cháu ở tận đâu?”, tôi hỏi cháu. “Đấy, kia kìa”, bé gái trả lời. Theo hướng tay và ánh mắt của cháu, tôi nhìn xuống những mái nhà lờ mờ trong sương chiều dưới thung lũng thấp thoáng ánh đèn khi mờ khi tỏ. Con sông Nho Quế thơ mộng chỉ còn là một vệt uốn lượn thấp thoáng mà ráng chiều chẳng rọi tới được. Ngọn lửa sưởi của các cháu nhóm giữa đường đèo sao mà xao xuyến. Không nói nổi lời từ biệt các cháu, tôi rút vội chiếc bút máy cài trên túi áo rồi đặt nhẹ vào tay bé gái. “Không lấy đâu, không lấy đâu”, bước vội về phía tiếng còi xe đang giục vì đoạn đường về huyện Đồng Văn còn xa, tôi chỉ kịp nghe tiếng vọng của bé gái. Xe chạy, ngoái nhìn lại, các cháu đã đứng chụm lại giữa đường nhìn theo trong mù sương của núi rừng Hà Giang. Đến bao giờ tôi mới gặp lại được các cháu bé nhỏ đáng yêu của tôi mà tôi đã có dịp viết trên tuần báo Văn Nghệ năm nào.

Câu hỏi ấy cứ ong ong mãi trong tôi cũng hệt như hôm nào cũng trong chuyến đi dài ấy, một buổi trưa tháng tư nắng gắt ở tận cùng xóm Đất Mũi, đang loay hoay bên tấm panô lớn ghi dòng chữ “Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Mũi Cà Mau” để tìm một thế đứng chụp bức hình kỷ niệm, tôi bắt gặp một chú bé Đất Mũi. Đây rồi, nơi “ngón chân cái của Tổ quốc chưa khô bùn vạn dặm”, biểu tượng tuyệt vời trong ngữ ảnh của văn Nguyễn Tuân từng ghi đậm trong tôi từ mấy chục năm trước khi đất nước còn bị chia cắt, tôi bắt gặp đúng “nhân vật” mong ước. Như từ một vũng bùn chui lên, chú bé lấm lem từ đầu đến chân với một xâu cá cầm tay, chỉ có đôi mắt xếch là ngời sáng. “Bác chụp hình cháu đấy à, có cho cháu hình không?”.

 

Chắc chắn phải gửi hình cho cháu”, tôi đáp, “nhưng cháu phải cho địa chỉ, nhà cháu ở đâu”. Chú bé ngước mắt “kia kìa”. Theo ánh mắt cháu, khuất sau những lùm cây xa tít, có những nóc nhà nhô lên. “Nhưng cứ gửi về trường cháu, có mình thầy giáo ở đấy, bưu điện vẫn mang thư và báo về cho thầy. Chiều nào cháu chẳng ở đấy để nghe thầy kể chuyện và đọc báo”. Tôi tiếc là không còn đủ thời gian để theo cháu về gặp thầy giáo kính yêu của cháu, nhưng qua câu chuyện của cháu bé lớp ba này, tôi hiểu ông thầy ấy đã ghi dấu ấn sâu đậm như thế nào trong tâm hồn cháu. Với giọng trìu mến chân thành, cháu nói về thầy giáo của mình ở tận đẩu tận đâu xa lắm về đây dạy học, thầy ở một gian nhà nhỏ áp lưng với phòng hiệu trưởng, thầy yêu chúng nó lắm. Xem ra bọn trẻ quấn quýt thầy giáo của mình suốt ngày, không chỉ ở buổi lên lớp.

Ghé vào tai tôi, cháu nói khẽ “Chỗ cá này, lát nữa cháu sẽ lén để vào cái rổ, lấy chậu úp lên, cạnh bể nước, chứ đưa cho thầy, thầy mắng cho đấy”. Một cảm xúc dâng trào thắt chặt trái tim tôi. Chao ôi, có món quà 20 tháng 11 nào đẹp bằng xâu cá của cậu bé Đất Mũi này vừa ngụp lặn dưới bùn để có nó đem biếu thầy, mà “biếu lén”. Đột nhiên, tôi nhớ đến đốm lửa bên chân đèo Cổng Trời - Mèo Vạc, nhớ đến ánh mắt đen láy của cô bé lớp bốn vùng cao, cố hình dung xem cô giáo của cháu ra sao và chắc cô cũng được các trò nhỏ quây quần thương quý như cậu trò nhỏ Đất Mũi và các bạn của cháu đối với thầy giáo quý yêu của chúng đây kia. Rất ngẫu nhiên mà có sự kết hợp hình ảnh các cháu bé ở hai đầu đầt nước, từ Lũng Cú Hà Giang đến Đất Mũi Cà Mâu trong câu chuyện tình cờ. Nhưng cái tình cờ ngẫu nhiên ấy lại nói về “nền giáo dục cho 100% dân cư” thay vì 5% như hồi trước. Thế là từ câu chuyện các cháu bé với thầy cô của chúng lại dẫn đến câu chuyện rất lớn về nguyên lý giáo dục. Thì cũng nhân ngày 20 tháng 11 có ý nghĩa này mà gợi lên “giải pháp phát triển giáo dục” đang là vấn đề có ý nghĩa bức xúc với thời cuộc khi mà “ngôi sao mới nổi” đang có sức tỏa sáng bằng ánh sáng của riêng mình trong bầu trời đầy sao đang mở rộng. Xin nhắc lại đây một nhận xét của Thủ tướng Nhật Bản “Khi nói chuyện với những thanh niên Việt Nam, ông thấy những cặp mắt rất sáng”. Người kể lại nhận xét đó, cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Nhật cho biết: “Theo tôi, ở Nhật Bản bây giờ rất khó tìm những thanh niên như vậy”.

Còn tôi, tôi nghĩ đến những đôi mắt thông minh rất đáng yêu của các cháu bé chăn bò quanh đống lửa bên đường đoạn đường đèo Cổng Trời-Mèo Vạc ở Hà Giang và ánh mắt em bé Đất Mũi như một Chử Đồng Tử thời đại thế kỷ XXI. Những đôi mắt của thế hệ sẽ làm nên ánh sáng riêng cho “ngôi sao Việt Nam” mới nổi lên trên bầu trời quốc tế nhân ngày 20 tháng 11 đầy ý nghĩa này.

Tương Lai

Bình luận
vtcnews.vn