"Mổ phanh" 4 tàu sân bay Trung Quốc đang sở hữu

Thế giớiChủ Nhật, 14/08/2011 08:45:00 +07:00

(VTC News) – Varyag đã "lột xác" để trở thành Thi Lang. Và điều đáng nói là Trung Quốc vẫn còn hơn một "đứa con nuôi" như thế!

(VTC News) - Cả thế giới đang nhìn vào Trung Quốc với những dấu hỏi lớn khi tàu sân bay Thi Lang chính thức ra biển. Tàu sân bay, thứ biểu tượng xa xỉ của quyền lực trên biển mà đất nước 1.3 tỉ dân bấy lâu nay phải thèm khát đứng nhìn, giờ đã lấy lại niềm kiêu hãnh tuy muộn màng cho tinh thần bá quyền Hoa Hạ.

Thi Lang không phải đứa con đẻ của đất nước Trung Hoa. Con tàu có tên gốc Varyag này là phiên bản nâng cấp của một tàu chiến Liên Xô đóng tại Ukraina năm 1985. Khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, Varyag được chuyển giao cho Ukraina và được bán lại cho Trung Quốc năm 1998 để làm một sòng bạc nổi ở Macau.

Varyag đã "lột xác" để trở thành Thi Lang. Và điều đáng nói là Trung Quốc vẫn còn hơn một "đứa con nuôi" như thế.

"Giấc mơ tàu sân bay của Trung Quốc đang dần thành hiện thực, trong một tương lai không xa, nó sẽ chiếm ưu thế không chỉ vì khả năng tự đóng tàu sân bay mà còn bởi khả năng sáng tạo, thừa kế và phát triển ngành tàu sân bay dựa trên một số tàu sân bay nhập khẩu." - Báo chí Trung Quốc hân hoan tung hô.

Kỳ 1: Từ Varyag đến Thi Lang

Tàu sân bay thuộc lớp Admiral Kuznetsov (hay còn nổi tiếng với các tên gọi Dự án 1143.5, lớp Brezhnev hoặc lớp Kreml).

Mặc dù người ta vẫn xem Varyag là một chiếc tàu sân bay, nhưng trên thực tế, thiết kế của con tàu thuộc lớp Đô đốc Kuznetsov này ẩn giấu một nhiệm vụ khác biệt so với các tàu sân bay khác.

 Thân tàu Varyag



Những người sản xuất tàu đã sử dụng các thuật ngữ riêng để mô tả con tàu gốc Nga này như TAKR hoặc TAVKR, có nghĩa là tuần dương hạm chở máy bay hạng nặng nhằm mục đích hỗ trợ và bảo vệ các tàu ngầm mang tên lửa chiến lược, tàu nổi, và các máy bay mang tên lửa của Hạm đội Liên Xô (cũ).

Để làm tốt vai trò bảo vệ hạm đội của mình, con tàu thuộc lớp Kuznetsov này được trang bị các loại vũ khí tối tân bao gồm: tổ hợp tên lửa hành trình tầm xa chống hạm P-700 "Granit" (hay còn được gọi là Shipwreck), các tên lửa chống tàu, tổ hợp tên lửa đối không SA-N-9 “bàn tay sắt” (Nga gọi là 3K95 Kinzhal), và máy bay Su-33 (hay còn có tên gọi Flanker-D).

Tàu Varyag ngày hạ thuỷ đầu tiên



Máy bay trên con tàu thuộc lớp Admiral Kuznetsov này chỉ được sử dụng trong các hoạt động có ưu thế trên không nhằm đảm bảo cho việc triển khai một lực lượng đặc nhiệm khi cần thiết. Con tàu này cũng có thể chở thêm nhiều máy bay săn ngầm hoặc các loại máy bay phục vụ các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ.

Thiết kế thân tàu cơ bản như lớp Kiev, nhưng lớn hơn. Tàu có diện tích 14.700 m2 với hình dáng giống như một chiếc tàu sân bay thông thường, nhưng lại được trang bị mẫu phóng “ván trượt” cong 12 độ thay vì sử dụng các mẫu phóng thông thường. Điều này khiến Varyag có một kết cấu tương tự như các tàu sân bay thuộc lớp Invincible của hải quân hoàng gia Anh.

Hình dạng sân bay của Varyag trông có vẻ khá giống với thiết kế trên các tàu sân bay của Pháp và Mỹ. Nó cũng sở hữu cấu hình được gọi là “STOBAR”, tức là sân bay cũng được trang bị các dây móc, chứ không có máy phóng máy bay. Những chiếc máy bay chiến đấu Su-33 với trọng tải tối đa có thể cất cánh từ sân bay trên tàu một cách dễ dàng.

Tàu Varyag có sức chứa khổng lồ và được trang bị nhiều loại vũ khí khủng



Admiral Kuznetsov có 12 bệ phóng cho các tên lửa chống tàu SS-N-19 và điều này không giống như những gì được trang bị trên các tàu sân bay của phương Tây. Sự hiện diện của các tên lửa chống tàu cỡ lớn trên tàu sân bay này khiến nó chả kém gì một tuần dương hạm chở máy bay.

Đối với nhiệm vụ phòng không tầm xa, con tàu này có 24 bệ phóng thẳng đứng cho tổ hợp tên lửa đối không SA-N-9 với 192 tên lửa. Còn với nhiệm vụ phòng không ở cự ly gần, con tàu này được trang bị 8 hệ thống pháo phòng không tầm cực ngắn CIWS, mỗi hệ thống có hai bệ phóng cho tên lửa 9M311 SAM, pháo 2 nòng GSh-30K cỡ 30mm, và 1 radar. Con tàu này cũng chở theo 6 khẩu pháo AK-630 cỡ 30mm.

Nhằm đối phó với các cuộc tấn công ngầm dưới nước, tàu sân bay này có chứa một tên lửa chống tàu ngầm UDAV-1 ASW.

Theo như các chi tiết trong thiết kế ban đầu, con tàu này có thể chở tới 33 máy bay và 12 trực thăng.

Trung Quốc nói gì về tàu sân bay đầu tiên của họ?

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh nói: “
Sự cần thiết phải có một chiếc tàu sân bay ở Trung Quốc đến từ một thực tế rằng đất nước chúng tôi có đường bờ biển rất dài và một vùng lãnh hải rộng lớn. Như là một phần quan trọng trong chương trình nghiên cứu và huấn luyện, việc đào tạo cho các phi công làm việc trên tàu sân bay cũng đang được tiến hành.

Việc tái tạo lại con tàu sân bay này là một dự án dài hạn và sẽ là một chặng đường dài để đi trước khi con tàu chiến đó có thể đi vào hoạt động. Việc theo đuổi một chương trình tàu sân bay sẽ không thay đổi chiến lược quốc phòng gần bờ của hải quân Trung Quốc
”. 


Dự án Varyag bắt đầu năm 1985, bị dừng lại vào năm 1992 do Liên Xô tan rã. Khi đó, công trình đã hoàn tất hơn 60% và được Nga giao lại cho Ukraine. Sau đó, con tàu này không được bảo trì, nhiều phần bị tháo dỡ như bánh lái và hệ thống vận hành.
 
Đến năm 1998, Ukraine bán đấu giá Varyag và một công ty ở Hongkong đã bỏ ra 20 triệu USD để mua con tàu này với ý định công bố ban đầu là biến nó thành một sòng bạc nổi ở Macau.

Tuy nhiên, trên thực tế, Macau không phải là điểm dừng chân cuối cùng của Varyag. Năm 2005, tàu được đưa đến cảng Đại Liên, nơi đóng trụ sở của Học viện Quân sự quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA). Tại đây vào năm 2008, nhóm binh sĩ đầu tiên bắt đầu tham gia chương trình huấn luyện trở thành phi công lái máy bay tác chiến cho tàu sân bay (Theo Asia Times). 
 



Kỳ sau: HMAS Melbourne - truyền kỳ hoàng gia

Tra cứu kết quả tuyển sinh Đại học – Cao đẳng 2011nhanh nhất tại: http://diemthi.vtc.vn




Bình luận
vtcnews.vn