Đường sa ngã của thiếu niên bị chị gái 'dẫn vào đời'

Thời sựChủ Nhật, 14/08/2011 06:24:00 +07:00

(VTC News) - Bi bị chính chị gái ruột “dẫn vào đời”, rồi cho dùng ma túy đến nghiện, ép đi hát rong xin tiền về nuôi gia đình chị...

(VTC News) - Mẹ mất sớm, bố bỏ đi biệt tích. Chính chị gái “dẫn vào đời” bằng cách cho dùng ma túy rồi ép đi hát rong xin tiền về nuôi chị. Chạy trốn khỏi người chị gái độc ác khi đã bị nghiện ma túy, em dạt về một bến xe, lại hát xin tiền để mua ma túy...

Đó là cuộc đời đầy oan trái, quằn quại vì ma túy của chàng thành niên 20 tuổi tên Nguyễn Văn Bi, sống ở bến xe Niệm Nghĩa, Hải Phòng đã gần chục năm nay.
Ám ảnh một số phận…
Tôi biết đến cuộc đời bi thương của Bi từ một cuộc triển lãm ảnh mang tên “Đối mặt với ma túy” của nhiếp ảnh gia Hoài Thanh hồi tháng sáu vừa rồi tại Hà Nội. 
"Em mong muốn được uống Methadone lắm, nhưng các anh chị ở trung tâm bảo em không có hộ khẩu cho nên không được dùng Methadone… Mẹ em chết lâu rồi, bố thì bỏ đi biệt tích. Chị gái em đã cho em dùng ma túy khi em còn nhỏ và bắt em đi hát xin tiền về nuôi vợ chồng chị hút nên em đã bỏ đi và dạt xuống bến xe Niệm Nghĩa này...”
Bi kiếm sống ở bến xe 

10 giờ sáng tôi có mặt ở bến xe Niệm Nghĩa. Cái nóng mùa hè như oi ả, bức bối hơn nơi bến xe chật chội, nhếch nhác. 
Thấy tôi ngó nghiêng tìm kiếm, một anh phụ xe ra hỏi chuyện. Vừa nghe tôi hỏi Bi thì anh hỏi lại ngay: “Chị gái Bi hả?”. Tôi thắc mắc vì trước đó một bác xe ôm được tôi hỏi thăm về Bi cũng hỏi tôi một câu tương tự. Anh giải thích: “Thì ở đây làm gì có ai hỏi thằng Bi đâu”. 
Anh giới thiệu anh là Trần Văn Oai, 30 tuổi, quê ở Thái Bình, chạy xe tuyến Thái Bình – Hải Phòng đã hơn chục năm nay và thấy Bi ở bến xe này cũng gần chục năm rồi. 
Anh kể: “Nó (Bi) nghiện nhưng mọi người ở đây đều yêu quý nó vì nó ngoan, không nói láo, không trộm cắp”. Tôi cảm ơn anh và hỏi anh chỗ nào có thể tìm Bi. Anh bảo chịu, nó lang thàng gầm cầu, xó chợ, biết đâu mà tìm. Rồi anh chỉ vào hàng nước gần đó nói: “Ra kia mà hỏi chị Loan bán nước kia kìa”.
Thấy tôi hỏi chuyện về Bi, chị Loan có vẻ ngạc nhiên, nhưng vẫn đon đả kể: “Thằng đó phường người ta gọi đi mấy lần rồi, nhưng không có quê hương bản quán gốc tích gì nên người ta lại thả về. Trước nó cũng có cái xe đạp làm chỗ cất giữ hay di chuyển mấy bộ quần áo cũ, thỉnh thoảng cũng có điện thoại nữa. Nhưng “bay” hết cả rồi ...” 
Ngồi nói chuyện một hồi với chị Loan vẫn không thấy bóng dáng Bi đâu, thấy tôi tỏ vẻ 'sốt ruột', chị Loan gợi ý: “Hay em qua quán nước bà Hà phía đầu bên kia xem sao, thường ngày vẫn thấy nó hay vạ vật nằm ở mấy cái ghế đá gần quán nước đó”. 
Theo lời chị Loan, tôi lại di chuyển sang quán nước của chị Hà, ngồi uống nước và chờ Bi. 12 giờ trưa, chợt nghe Đông (đang ngồi đánh giầy cho khách ở gần đó) gọi: “Chị ơi, thằng Bi đây này! Bi ơi có chị này tìm mày”.
Tôi ngỡ ngàng không tin nổi cái người mà tôi đang đối diện là Bi mà tôi đã thấy qua những tấm ảnh của nhà nhiếp ảnh Hoài Thanh đã chụp em gần một năm trước. Bi gầy guộc, xiêu vẹo đến thảm hại. 
Ma túy đã hút cạn những tàn lực cuối cùng trong em đến độ dường như em không có sức nâng nổi cái đầu của mình, nó cứ nghặt nghẹo về một bên, cái lưng gẫy gập lại như người đang phải cõng vật nặng, đôi tay thì buông thõng thượt như con chim sẻ gẫy cánh, đôi mắt đờ đẫn thả cái nhìn vô định, dù em đang đối diện nói chuyện với tôi. Có cảm tưởng như việc mấp máy đôi môi thâm xì vì dùng ma túy nhiều năm với Bi cũng là một việc khó nhọc.

…Đến tấn trò đời

Tôi kể chuyện tôi biết em qua một triển lãm ảnh về ma túy. Em ngơ ngác không hiểu gì. Tôi nhắc em về một anh đã chụp ảnh cho em gần một năm trước thì một lúc em mới “À” lên. Rồi em hồn nhiên hỏi: “Em được lên báo hả chị? Người ta cũng nói em được lên báo nhưng em không biết. Chị có tờ báo đó không? Cho em nhé!”. Tôi hứa lần gặp sau tôi sẽ mang cho em cuốn sách ảnh. Em cảm ơn rối rít. Rồi như gặp lại người quen, em cởi lòng chia sẻ với tôi câu chuyện buồn cuộc đời mình.
Nhà Bi có bốn chị em. Hai chị gái đã đi lấy chồng, một chị đang ở tù vì buôn bán ma túy, một em trai 9 tuổi đang sống với người cậu ở quê (Đồng Hướng, Kim Sơn, Ninh Bình). Bố mẹ Bi bỏ quê ra Hà Nội làm thuê nuôi con. “Ngày ấy nghèo nhưng mà gia đình còn được sum vầy. Mẹ mất cái là mỗi người một nơi”.

Bi kể, cách đây gần chục năm, mẹ Bi mất vì tai nạn. Khi mẹ mất, đứa em trai Bi còn quá nhỏ chưa biết gì nên cứ ngồi dưới chân mẹ mà cười.
Sau khi mẹ mất, bố dắt mấy chị em vào Đồng Nai ở với cậu mợ rồi bố cũng bỏ đi luôn từ đó. Hai chị gái vì không chịu đựng được vất vả đã bỏ về Bắc.
Một thời gian sau, chị cả lấy chồng rồi vào Đồng Nai đón nốt Bi và em trai ra. “Chị nói ra ở với chị, chị sẽ nuôi cho ăn học. Nhưng chị ý đã lừa em. Chị cho em dùng ma túy, dẫn em vào đời rồi bắt em đi hát rong xin tiền về nuôi vợ chồng chị “hút”. Ở đó, em thường xuyên bị đánh đập. Cực khổ quá chịu không nổi, hơn một năm sau thì em bỏ đi và “dạt” xuống bến xe này từ ngày đó. Đến nay cũng 6,7 năm rồi”.
Mỗi câu chuyện về cuộc đời của Bi là một tấn bi kịch đang xảy ra giữa đời thường 
Tôi hỏi chuyện chỗ ăn ngủ của em. Ngừng một lát Bi mới miễn cưỡng trả lời một cách hững hờ như cách người ta miễn cưỡng trả lời một câu hỏi ngờ nghệch: “Mùa đông lạnh quá thì có khi em cũng thuê phòng trọ, mùa hè thì chỗ nào mát là ngủ, ngủ đâu chả được…”
Ngồi nhìn cái bộ dạng tàn tạ của em mà ngao ngán, tôi cố vớt vát chút hi vọng vào một điều thần kì khi đặt ra giả thuyết là một ngày em sẽ cai được ma túy, nhận lại một cuộc đời đã bị chính những người ruột thịt của em đánh cắp như em kể. 
Nghĩ đến cái lối thoát duy nhất ấy, tôi hỏi em: Sao em không cố gắng quyết tâm từ bỏ ma túy đi? Trước câu trả lời có chút ngậm ngùi nhưng dứt khoát của Bi, tôi mới thấy cái hi vọng của mình sao mà “ngây thơ”: “Làm sao mà cai được hả chị. Khó lắm chị ơi. Người ta có gia đình bên cạnh quan tâm giúp đỡ, chăm sóc sức khỏe, có tiền để ăn uống, thuốc thang còn chẳng cai được. Em đây chẳng có gì. Không người quan tâm bảo ban, chăm sóc, không tiền, đến sức khỏe cũng không có, chị bảo cai làm sao được!”.
Tôi chua xót hỏi em: “Thế đành bất lực à, chịu chết à?”. Em bảo: “Cơ hội cuối cùng của em là được uống thuốc methadol. Đời em giờ hi vọng vào mỗi thuốc đó thôi. Nhưng không được. Người ta bảo phải có hộ khẩu, phải có chứng minh thư. Em thì không có giấy tờ gì cả”.
Em kể với tôi về một cơ hội cai ma túy em đã dự định làm nhưng không thành. Ấy là cách đây hai năm, Bi có một người bạn gái tên Linh ở Vĩnh Bảo, Hải Phòng đã thương yêu mà theo về sống ở bến xe này với Bi. “ Em giấu chuyện em nghiện. Em cũng định để một thời gian sẽ nói cho nó biết. Có nó ở bên cạnh, dần dần em sẽ cai và tìm một công việc đàng hoàng để làm. Nhưng mình còn chưa kịp làm gì thì nó đã bỏ mình đi rồi…”
Bi còn khoe với tôi về một cơ hội được quay lại cuộc đời khác cũng đã vụt khỏi tầm tay: Mấy năm trước, có một cô nhà ở gần đây, em hay đi hát kiếm tiền qua nhà cô. Em không biết cô làm gì, nhưng cô giàu lắm. Một lần cô gọi em vào hỏi han rồi cô ấy bảo, giá em không nghiện thì cô sẽ nhận em làm con nuôi. Một lần khác cô lại gọi em vào bảo cô sẽ trả tiền cho em đi cai nghiện và nhận em làm con nuôi. Em chưa kịp vui mừng thì lại nghe cô báo, cô phải đi nước ngoài gấp, chồng cô gọi. Từ đó em không gặp lại cô nữa”. 
Khi đầu óc tôi vẫn còn vấn vương với câu chuyện thần tiên về một người phụ nữ giàu có sẽ cho em đi cai nghiện và nhận em làm con nuôi cũng như nỗi thất vọng không bến bờ của em khi giấc mơ đổ sụp, Bi vội vã đứng lên xin phép được tiếp tục công việc của mình.
Tôi đứng dậy cáo từ, hẹn sẽ quay lại mang cho em cuốn sách ảnh có câu chuyện cuộc đời em cùng rất nhiều câu chuyện ma túy khác. Đã bước khỏi cái ngột ngạt và ồn ã như muốn bóp nghẹt nồng ngực ở bến xe mà tôi vẫn không làm sao xóa đi hình ảnh cái thân hình nhỏ bé, lòng khòng bước những bước xiêu vẹo, đổ gập; đôi cánh tay lúc não cũng buông thõng, mỏi mệt như chú chim non gẫy cánh và đôi mắt thì đờ đẫn, vô hồn…

 (Còn nữa...)

Tra cứu kết quả tuyển sinh Đại học – Cao đẳng 2011 nhanh nhất tại: http://diemthi.vtc.vn


Hương Hoàng


Bình luận
vtcnews.vn